Nằm tĩnh lặng bên dòng sông Thu Bồn, phố cổ Hội An mang đến cảm giác yên bình cho du khách đến nơi đây. Chắc hẳn rằng những ai từng đến Hội An sẽ vẫn mong muốn được trở lại nơi đây lần nữa.
Dòng sông Thu Bồn thơ mộng bên Hội An tĩnh lặng
Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Ðào Nha, Italia v.v.. đã biết đến từ thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á, một trong những trạm đỗ chính của thương thuyền vùng Viễn Ðông. Hội An từng nổi tiếng trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo Hoài Phố, Hội An…
Bài chòi, nét văn hóa phi vật thể còn lưu trữ ở Hội An.
Dưới thời vương quốc Chăm Pa (Thế kỷ 9-10), với tên gọi Lâm ấp Phố, Hội An đã từng là cảng thị phát triển, thu hút nhiều thương thuyền Ả Rập, Ba Tư, Trung Quốc đến buôn bán, trao đổi vật phẩm. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận đã có một thời gian khá dài, Chiêm cảng - Lâm ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự hưng thịnh của kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Với những phế tích móng tháp Chăm, giếng nước Chăm và những pho tượng Chăm (tượng vũ công Thiên tiên Gandhara, tượng nam thần tài lộc Kubera, tượng voi thần…) cùng những mảnh gốm sứ Trung Quốc, đại Việt, Trung Ðông thế kỷ 2-14 được lấy lên từ lòng đất càng làm sáng tỏ một giả thiết từng có một Lâm ấp Phố (thời Chăm Pa) trước Hội An (thời Ðại Việt), từng tồn tại một Chiêm cảng với sự phát triển phồn thịnh.
Những mái nhà rêu phong mang đậm hoài cổ trên phố Hội An
Cũng chính nhờ môi trường sông nước thuận lợi, cộng với nhiều yếu tố nội, ngoại sinh khác, từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, đô thị - thương cảng Hội An lại được tái sinh và phát triển thịnh đạt. Do hấp lực của cảng thị này, cùng với “con đường tơ lụa”, “con đường gốm sứ” trên biển hình thành từ trước nên thương thuyền các mước Trung, Nhật, Ấn Độ, Xiêm, Bồ, Hà, Anh, Pháp… tấp nập đến đây giao thương mậu dịch.
Từ cuối thế kỷ 19, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố bất lợi, “cảng thị thuyền buồm” Hội An suy thoái dần và mất hẳn, nhường vai trò lịch sử của mình cho ” cảng thị cơ khí trẻ”ớ Ðà Nẵng. Nhưng cũng nhờ đó, Hội An đã tránh khỏi được sự biến dạng của một thành thị trung - cận đại dưới tác động của đô thị hóa hiện đại để bảo tồn cho đến ngày nay một quần thể kiến trúc đô thị cổ hết sức độc đáo, tuyệt vời.
Một góc nhỏ trong lòng Hộ An
Trong suốt 117 năm kháng chiến chống ngoại xâm (1858 - 1975), hàng nghìn người dân Hội An đã ngã xuống cho độc lập và thống nhất đất nước. Nhiều địa phương và một số người trong số họ đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng”
Thị xã có những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hoài. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà trạm trổ hoa văn rất cầu kỳ... Hội An là một bảo tàng sống, khu phố cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào ngày 4 tháng 12 năm 1999.
Chùa Phúc Kiên ở Hội An
Bước chân vào phố cổ Hội An bạn sẽ bước chân vào 1 thế giới hoàn toàn khác. Một thế giới bình yên và cuốn hút đến lạ. một thế giới biệt lập, tách khỏi mọi dòng chảy và sức phá huỷ của thời gian. Không có tiếng động cơ gầm rú cũng chẳng có những thương hiệu rực rỡ đèn màu. Tất cả đã lùi xa sau lưng, cả không gian và thời gian đều lắng đọng trong những nếp nhà gỗ cổ xưa. Mặc cho những biến đổi của cuộc sống, những nếp nhà gỗ cổ xưa luôn hiện hữu trong không gian này. Du khách dễ nhận ra dấu vết thời gian không chỉ ở kiểu dáng kiến trúc của mỗi công trình mà có ở mọi nơi: trên những mái nhà lợp ngói âm dương phủ kín rêu phong và cây cỏ; những mảng tường xám mốc, xưa cũ; những bức chạm khắc về một con vật lạ hay diễn tả một câu chuyện cổ...
Một thoáng Hội An
Và những con thuyền dưới bến sông, dưới mái hiên nhà hay nơi đầu phố vẳng lên với giọng ca bài chòi, hò khoan, giã gạo…tạo ra sức hút kỳ lạ đối với du khách.
Những chiếc đền lồng rực rỡ sắc màu cùng với ánh sáng mờ dịu là những hình ảnh mang một nét riêng cho phố cổ Hội An. Với đủ loại kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc đa dạng hình ảnh những chiếc đèn lồng phảng phất dấu ấn của thời gian xưa cũ, gọi lại một miền kí ức về thời thơ ấu. Cái cảm giác bình yên tràn ngập, từng người, từng vật nơi đây đều trở nên dịu dàng, quyến rũ đến lạ kỳ.
Đèn lồng là nét đặc trưng của Hội An
Những căn nhà cổ kính, góc phố thân quen, các cụ già ngồi chơi tam cúc... là những hình ảnh khắc sâu trong tâm trí người Hội An.
Đến với phố cổ Hội An, dù chỉ một lần cũng khiến du khách phải vấn vương không lỡ rời đi. Đề rồi hẹn 1 lần nữa trở lại với mảnh đất thanh bình của dải đất miền Trung yêu dấu ấy.