hay còn gọi là bảo tàng Quân Khu 5 nằm trong cụm các bảo tàng lưu giữ những kỷ vật về chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng gồm 2 phần, một phần được xây dựng mô phỏng theo khuôn mẫu ngôi nhà thật của Bác ở thủ đô Hà Nội với ao cá, nhà sàn, vườn cây, một phần là 4 phòng trưng bày lưu giữ một số kỷ vật về cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh vì dân tộc của Người.
Bảo tàng Quân Khu 5 được xây dựng vào năm 1976 sau khi Đà Nẵng được giải phóng, đến ngày 19 tháng 5 năm 1977 thì chính thức được đưa vào sử dụng. Năm 1995 được xếp hạng là bảo tàng quốc gia hạng 2.
Những hiện vật tại bảo tàng Quân Khu 5
Hơn 400 hiện vật đang được trưng bày tại bảo tàng Khu 5 là từng ấy câu chuyện cảm động về một thời cầm súng, chiến đấu của quân và dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…
Khóa chốt chì của anh hùng Đặng Tiến Lợi sinh năm 1953, dân tộc Kinh, quê ở xã Quang Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Chiếc chốt chì tưởng chừng chẳng có gì đáng giá nhưng lại mang trong mình câu chuyện cảm động về tinh thần quả cảm, trí mưu lược của anh hùng liệt sĩ Đặng Tiến Lợi, người chỉ huy trong trận đánh sập khu Trung tâm ra-đa của địch trên đỉnh Sơn Trà, khiến hơn 200 tên lính Mỹ bỏ mạng. Vào đêm 15-9-1972, Đặng Tiến Lợi dẫn theo 3 chiến sĩ tổ đặc công thủy vượt mưa to, gió lớn, qua mặt những đồn canh, từng tốp lính tuần tiễu của địch, tiến thẳng vào Trung tâm ra-đa (cao 30m, dài 25m, rộng 15m được cấu trúc trên một sân xi-măng rộng 100m, dài 150m). Bằng những động tác thuần thục, anh đã đặt được khối thuốc nổ vào chân trụ dàn ra-đa, dùng chốt chì điểm hỏa hẹn giờ nổ rồi lặng lẽ rút ra ngoài. Đến giờ hẹn, một tiếng nổ lớn vang lên, đánh sập khu Trung tâm ra-đa bán đảo Sơn Trà, vốn là tai mắt của Mỹ-ngụy tại chiến trường Đông Dương trong nhiều năm liền. Nhưng sau đó, tháng 11-1972, trong trận đánh cầu Thủy Tú lần 2, khi đang đặt mìn vào chân cầu, anh bị địch phát hiện và anh dũng hy sinh. Chiếc chốt chì là vật duy nhất anh để lại, được đồng đội trao tặng cho Bảo tàng Khu 5.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam dài 115cm, rộng 88cm, bằng vải, hai nền xanh đỏ được may chéo góc. Đây là lá cờ Mặt trận được công nhân Nhà máy điện Liên Trì may để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công giải phóng thành phố. Lá cờ này được sưu tầm vào ngày 5-4-1975.
Đôi dép của chị Phan Thị Mùa - Nữ biệt động thành phố Đà Nẵng. Chị Phan Thị Mùa sinh năm 1955 là nữ biệt động thành phố Đà Nẵng, năm 1972 chị được tổ chức giao nhiệm vụ đánh vào kho xăng của Mỹ ở ngã ba đường Trưng Nữ Vương - Núi Thành, Đà Nẵng. Chị xin vào làm công nhân ở kho xăng. Mỗi ngày đi làm chị dấu một ít thuốc nổ dưới đế dép lê bí mật chuyển vào kho xăng (quãng đường từ 3 đến 4km) trong suốt 4 tháng từ 4/1972 đến 8/1972 chị đã chuyển được 4 kg thuốc nổ. Và vào lúc 19h buổi tối trung tuần tháng 8/1972 cả thành phố Đà Nẵng rung chuyển bởi tiếng nổ lớn, đó là chiến công của nữ biệt động thành Phan Thị Mùa, với 4 kg thuốc nổ chị đã phá kho xăng của địch, phá hủy hàng triệu lít xăng, gây thiệt hại nặng cho kho xăng của Mỹ, ngụy ở thành phố Đà Nẵng. Với chiến công này, chị được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng II năm 1975.
Khu trưng bày ngoài trời
Khu trưng bày ngoài trời bao gồm khuôn viên Nhà sàn với vườn cây, ao cá Bác Hồ, và khu vực trưng bày các vũ khí thể khối lớn như: máy bay, xe tăng, xe bọc thép, các khẩu pháo từ 75mm đến 175mm…, các loại vũ khí của quân đội Pháp, Mỹ bị bộ đội Khu 5 thu được và sử dụng đánh địch trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Khu mô hình nhà sàn Hồ Chí Minh và vườn cây, ao cá: Năm 1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày 12/9/1976 thể theo nguyện vọng, tình cảm của đồng bào và cán bộ, chiến sĩ Khu 5 đối với Bác Hồ kính yêu, mô hình nhà sàn được xây dựng theo đúng tỉ lệ 1/1, giống như nhà sàn Hồ Chí Minh ở Hà Nội tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, bên ngoài là vườn cây, ao cá... tạo nên một khuôn viên thoáng mát, đẹp thu hút nhiều du khách khi đến thăm thành phố.
Mở cửa các ngày trong tuần:
Sáng: 7:30 đến 11:00
Chiều: 13:30 đến 16:00
Miễn phí vào cửa cho khách trong nước, 20.000đ/người cho khách nước ngoài.