Đà Nẵng được biết đến với nhiều bãi biển đẹp, rừng núi xanh tươi, ẩm thực phong phú và gần các di sản văn hóa thế giới. Vì lẽ đó ngày càng nhiều khách du lịch đổ về Đà Nẵng để chiêm ngưỡng vẽ đẹp đáng sống của thành phố này.
Ảnh: Toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ hướng bán đảo Sơn Trà
Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ "DAKNAN", nghĩa là vùng nước rộng lớn hay "sông lớn", "cửa sông cái". Năm 1835, với chỉ dụ của vua Minh Mạng là 'tàu Tây chỉ được đậu tại cửa Hàn, còn các cửa biển khác không được tới buôn bán', Cửa Hàn (tên gọi khi đó của Đà Nẵng) trở thành thương cảng lớn nhất Miền Trung. Sau khi vào Việt Nam vào năm 1889, người Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam và đổi tên thành Tourane đánh dấu sự ra đời thành phố. Sau Cách mạng tháng tám, năm 1945 thành phố được mang tên nhà yêu nước Thái Phiên. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Bảo Đại. Năm 1967, Đà Nẵng được Việt Nam ấn định là thành phố trực thuộc Trung ương.Sau năm 1975, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 6 tháng 11 năm 1996, thì tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Ảnh: Ngư dân kéo lưới ở bán đảo Sơn Trà
Đến Đà Nẵng bằng phương tiện gì?
Sân bay quốc tế Đà Nẵng là sân bay lớn nhất ở miền Trung Tây Nguyên, hầm Hải Vân được khánh thành ngày 5 tháng 6 năm 2005 nối liền Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, cảng Tiên Sa là một trong những cảng quan trọng nhất khu vực Trung Bộ Việt Nam nên hầu như du khách có thể đến Đà Nẵng bằng bất kỳ phương tiện nào.
Nếu được lựa chọn giữa máy bay, xe khách và tàu hỏa, du khách nên chọn chọn máy bay. Vé máy bay từ Hà Nội – Sài Gòn đến Đà Nẵng chỉ từ 550,000 đến 2,200,000 VNĐ (tùy thuộc vào hãng bay và hạng ghế) – đắt hơn xe khách, tàu hỏa nhưng tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Chỉ sau 1h30′ là bạn đã có mặt ở Đà Nẵng, dù bạn ở đầu của đất nước.
Ảnh: Ngũ Hành Sơn - Du lịch Đà Nẵng
Ngoài ra thì có thể đi xe máy, xe đạp từ Hà Nội hay Sài Gòn, chỉ cần đi ra quốc lộ 1A hoặc đường mòn Hồ Chí Minh và chạy thẳng là tới. Trên đường đi bạn sẽ được ngắm rất nhiều cảnh đẹp và dừng chân nghỉ tại đây. Nhưng chỉ thích hợp cho những bạn có nhiều thời gian, thích khám phá và thử thách bản thân. Đi xe máy mất khoảng 2-3 ngày tới nơi (tùy vào thời gian nghỉ ngơi), còn xe đạp chắc khoảng 1 tuần (tôi không rõ vì chưa từng thử).
Đà Nẵng thành phố của những cây cầu
Nằm ngay trung tâm thành phố, đầu tiên phải kể đến những cây cầu. Thành phố này có nhiều cầu, nhưng tôi chỉ nhắc đến 5 cây cầu đặc biệt nhất.
Ảnh: Cầu sông Hàn - biểu tượng của thành phố Đà Nẵng
Cầu sông Hàn – cây cầu thơ mộng này là biểu tượng của thành phố. Và cũng là cây cầu quay đầu tiên ở Việt Nam. Hàng ngày cứ 1h sáng là cây cầu quay ngang 90 độ, để cho tàu đi qua. Và 3h30 nó lại quay trở lại vị trí cũ. Trước khi đến đây, tôi nghĩ cả thành phố chỉ có duy nhất cây cầu này vì người ta chỉ chụp ảnh với cầu sông Hàn là nhiều. Đến rồi mới hiểu nguyên nhân, vì nó là biểu tượng của thành phố.
Cây cầu thứ 2 là
cầu Rồng, cây cầu có hình rồng sắt nằm quay mình ra biển này thường phun lửa và nước vào 21h tối thứ 7, chủ nhật. Nó là cây cầu có rồng sắt to nhất thế giới, với thiết kế có 1 không 2. Con rồng quay mình hướng thẳng ra biển Đông, nó mang một ý nghĩa sâu sắc mà tôi chẳng hiểu nổi.
Bên cạnh cầu Rồng là cầu Nguyễn Văn Trỗi. Cây cầu được xây dựng phục vụ chiến tranh này được lưu giữ lại như một kỷ vật của thành phố.
Ảnh: Cầu Trần Thị Lý bên cạnh Cầu Nguyễn Văn Trỗi
Cạnh cầu Nguyễn Văn Trỗi là
cầu Trần Thị Lý. Cầu được thiết kế theo hình cánh buồm. Cây cầu này cũng được khánh thành cùng với cầu Rồng. Một trong những biểu tượng mới của thành phố.
Cuối cùng là
cầu Thuận Phước. Cây cầu võng dài nhất Việt Nam (1,8km) và được xây dựng trong 8 năm. Phải đứng cạnh nó bạn mới thấy hết được nó dài và đẹp thế nào.
Dọc bên bờ sông Hàn là hai con đường một chiều sạch và đẹp. Trên phố có rất nhiều quán cafe, nhà hàng, dịch vụ giải trí hướng ra bờ sông. Buổi tối đi dạo ở đây không gian thoáng mát và sạch sẽ. Không còn sự oi bức, khó chịu của thành phố đô thị loại 1 nữa.