Vào thời điểm của những năm đầu Trịnh - Nguyễn phân tranh ông Phan Công Thiên từ Hải Dương theo đoàn ngoài di dân vào khai phá miệt vườn ở Quảng Nam. Ông dừng chân ở Lâm Yên (Ðại Minh- Ðại Lộc ngày nay) và sau đó duy trì được nghề truyền thống của tổ tiên dòng họ Phan và làng trống Lâm Yên tồn tại cho đến hôm nay.
Làng Trống Lâm Yên ngày nay
Quy trình làm thành một chiếc trống (trống chầu, trống lân, trống lịch, trống chiên, trống chùa...) phải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ðầu tiên là làm dăm trống và dăm trống, gỗ dùng làm trống là gỗ mít (cây mít). Gỗ mít phơi khô và được người thợ bỏ mực, cưa xẻ theo chiều cong của dăm tuỳ theo kích thước của trống mà độ cong của dăm khác nhau. Dăm trống được bào nhẵn, tre được vót tròn nhọn làm niềng trống, dọn miệng phẳng. Tiếp đến là da trâu mua về căng ra phơi cho khô, cắt mặt ngâm nước lạnh từ 2 đến 3 ngày, rồi vớt ra thuộc mỏng. Sau đó bịt vào đóng chốt thành mặt trống. Làm xong công đoạn này người thợ phải bào sạch mặt, láng ngoài rồi bắt niềng cố định cho trống.
Làng nghề truyền thống trống Lâm Yên
Không phải mùa nào nghề trống ở Lâm Yên cũng đắt khách, thường là vào tháng 3 (thanh minh) và tháng 8 âm lịch. Hai tháng này có nhiều lễ cúng tế nên có nhiều người đến đặt trống khi đó người thợ Lâm Yên mới có điều kiện để làm trống.
Xã hội ngày một phát triển, do vậy nhu cầu về tinh thần và văn hoá xã hội luôn được coi trọng qua các hình thức lễ hội, nghệ thuật... cũng chính vì điều đó mà không thể thiếu được tiếng trống chầu, trống lịnh hay trống chùa. Điều này góp phần chứng minh rằng nghề làm trống Lâm Yên sẽ được duy trì và không ngừng phát triển.