Tương truyền làng gốm Thanh Hòa có nguồn gốc từ Thanh Hoá được hình thành từ cuối thế kỷ 15 và phát triển mạnh cùng với cảng thị Hội An trong các thế kỷ kế tiếp. Ngôi làng nằm ngay bên bờ của dòng sông Thu Bồn, thuộc địa phận Hội An, cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng tây.
Làng gốm Thành Hà Hội An
Nằm trong thành phố du lịch, cư dân Thanh Hà rất thân thiện và cởi mở, đến tham quan làng gốm Thanh Hà du khách có thể cùng tham gia tạo những sản phẩm từ gốm rất thú vị. Nhiều khách du lịch khi thăm hội An đều ghé qua ngôi làng nhỏ này để thử tài tạo hình thú vị cũng những nghệ nhân nơi này.
Du khách tham gia làm gốm
Làng quê thanh bình Thanh Hà với nghề làm gốm này có từ thế kỷ 15-16, là nơi mà nhiều khách nước ngoài, hoặc những người mê gốm sứ vẫn thường ghé qua. Nếu không có chỉ dẫn cụ thể, bạn phải mất nhiều thời gian mới tìm được nơi đây. Nhiều người trong làng kể lại, những người thợ lành nghề khi di cư vào miền Nam, khi lưu lạc đến vùng đất Quảng Nam này thấy thổ nhưỡng cùng khí hậu thuận lợi thì ở lại và phát triển làng nghề từ đó.
Cả làng hiện có 23 hộ sản xuất gốm với trên 100 lao động, hằng năm sản xuất khoảng 400.000 sản phẩm. Theo 1 nghệ nhân lâu năm, nguyên liệu làm gốm là đất sét, người trong làng phải lên huyện Điện Bàn mua với giá 200.000 đồng/ghe. Sau đó mang về ủ đất để giữ độ ẩm. Trước khi tạo ra sản phẩm phải nhồi, đánh cho đất chín rồi mới nặn. Có những sản phẩm tinh xảo, đòi hỏi đất mịn thì phải qua một công đoạn công phu khác là lọc đất 2 – 3 lần để loại bỏ tạp chất. Sau khi nặn thành sản phẩm, phải phơi nắng một ngày rồi làm nguội để tạo ra những hoa văn, hoạ tiết hoặc sơn vẽ lên sản phẩm, cuối cùng mới đưa vào lò nung trong vòng 24 tiếng. Hiện nghệ nhân cao tuổi và giỏi nhất trong làng là bà Nguyễn Thị Được (85 tuổi). Bà Được làm nghề khi mới 13 tuổi, cả làng Thanh Hà hiện nay, hết thế hệ này tới thế hệ khác đều là học trò của bà.
Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà
Sản phẩm chủ yếu của người thợ Thanh Hà là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con vật... mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Có lẽ một phần nhờ đất sét của dòng sông Thu Bồn bồi đắp và bàn tay khéo léo của người thợ Thanh Hà.
Đã nhiều thế kỷ đi qua với bao biến động của lịch sử, làng gốm Thanh Hà vẫn yên bình bên dòng sông Thu Bồn, người thợ Thanh Hà vẫn âm thầm sản xuất đồ gốm với phương tiện bằng tay truyền thống bao đời nay...