Chùa Chúc Thánh nằm ở xã Cẩm Hà Hội An được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII (1671), do Minh Hải Thiền Sư sáng lập. Chùa Chúc Thánh nổi tiếng bởi là nơi khai sinh ra chi phái Thiền Chúc Thánh của Thiền Lâm Tế. Năm 1845 ngôi chùa được đại trung tu chuyển từ hướng Tây qua hướng Tây Nam. Đến năm 1849 thì xây thêm Tiền đường làm tăng gấp đôi diện tích trong Chánh điện. Năm 1892 và 1894 hòa thượng Chương Đạo và Chương Khoáng trùng tu lại tiền đường và xây thêm ngôi Hậu Tổ. Đến năm 1911 thì được trung tu và nâng cao hơn và có hình dáng như ngày hôm nay.
Cổng Chùa Chúc Thánh Hội An
Chùa Chúc Thánh có bố cục mặt bằng kiểu “Tiền công hậu quốc”, là sự kết hợp hài hòa hai phong cách kiến trúc Việt Nam và Trung Hoa, với nhiều đồ án trang trí được chạm trổ công phu.
Tại Chánh điện thờ Tam Thế Phật, Di Lặc, 18 vị La Hán. Trước sân có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra quanh chùa còn có 16 ngôi mộ tháp của các vị Trụ trì đã viên tịch như ngôi mộ tháp của Tổ sư Minh Hải, thiền sư Thiết Thọ (đời 35), Ấn Bích (đời 39), Thiện Quả,…Trong đó nổi bật nhất là ngôi tháp của tổ sư Minh Hải.
Toàn cảnh chùa Chúc Thánh Hội An
Theo phong tục người Trung Hoa thì họ đến đâu thường hay lập chùa, miếu để thờ cúng cầu nguyện mưa thuận gió hòa, nhân dân an cư lạc nghiệp. Như đã trình bày, cùng với thời điểm chùa Chúc Thánh ra đời, Hội An là một thương cảng trù phú, những thương nhân đến từ nước ngoài chủ yếu là người Hoa và coú một số người trong họ đã định cư ở đây. Vì vậy, Tổ Minh Hải sau khi quyết định ở lại tại Hội An hoằng Pháp, Ngài chọn ra một nơi để tạo lập chùa Chúc Thánh với khoảng cách lý tưởng khoảng 1km không gần lắm cũng không xa lắm so với trung tâm phố cảng. Địa thế này nhằm 2 mục đích: Một là, nơi yên tĩnh vắng vẻ, điều kiện tu hành thiền định thích hợp và hai là, không xa lắm nơi dân cư, để tạo điều kiện cho những người dân ở đây có thể bước bộ đến chùa lễ Phật tụng kinh. Cũng từ lòng tín ngưỡng Phật giáo mạnh của người dân Việt và Hoa kiều tại đây mà ngôi Tổ đình Chúc Thánh cũng trở nên phong phú về nhiều mặt, phong phú từ lối kiến trúc đến cách thờ phụng, như ngoài việc thờ Phật chính trong Chánh điện, ngoài vườn còn lập miếu Ông, miếu Bà để thờ các Thần Thành Hoàng, Thổ Địa để cho những người đến cầu xin được phù hộ mua may bán đắt, đi đến nơi về đến chốn. Đấy là những tín ngưỡng thuần túy tính nhân gian.
Chùa Chúc Thánh Hội An
Tên " Chúc Thánh" có từ lúc Tổ Minh Hải đặt chân đến khai sơn ngôi chùa. Về mặt ý nghĩa 2 chữ Chúc Thánh có 2 cách giải thích sau đây:
Một là, từ nữa thế kỷ 17, các Chúa Nguyễn Đàng Trong trọng đãi Phật giáo nói chung và ngài Minh Hải nói riêng, nên khi lập chùa, ngài Minh Hải muốn thể hiện tình cảm của mình đối với các chúa Nguyễn bằng cách đặt tên cho ngôi chùa là Chúc Thánh (tức chúc cho Thánh Thượng được mọi điều tốt lành).
Hai là, lúc bấy giờ tại Trung Quốc cũng có một ngôi chùa tên Chúc Thánh. Vì vậy, Ngài Minh Hải sau khi đến Việt Nam khai sơn ngôi chùa đặt lại tên Chúc Thánh là để làm kỷ niệm nhớ lại quê hương xứ sở của mình.