Bắc thuộc lần thứ hai năm 43

Nhà Đông Hán (25 220)
Chính Trị nhà Đông Hán.
Mã Viện đánh được Trưng vương đem đất Giao chỉ về thuộc nhà Hán như củ, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến cải mọi cách chính trị trong các châu quận. Đem phủ trị về đóng Mê linh13 và dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt." Nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao chỉ mất nòi. 
Sử chép rằng người Giao chỉ đi qua lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở chỗ nào. 

Từ đó chính trị nhà Đông Hán càng ngày càng ngặt thêm, mà những quan lại sang cai trị Giao chỉ thường có lắm người tàn ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu báu. Dân ở quận Hợp phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến nổi phải bỏ xứ mà đi. 

Triều đình thì xa, quan lại ra cai trị thì tha hồ mà tung hoành, tiếng oan ức kêu không thấu vào đâu, cho nên thường hay có sự loạn lạc, làm cho dân gian phải nhiều sự khổ sở. 

Lý Tiến và Lý Cầm.
Quan cai trị đã tàn ác, nhà vua lại bạc đãi người bản xứ. Đời bấy giờ người mình dẫu có học hành thông thái cũng không được giữ việc chính trị. Mãi đến đời vua Linh đế(168 189) cuối nhà Đông Hán mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm Thứ  sử ở Giao chỉ. Lý Tiến dâng sớ xin cho người Giao chỉ được bổ đi làm quan như ở Trung châu bên Tàu. Nhưng Hán đế chỉ cho những người đỗ mậu tài hoặc hiếu liêm được làm lại thuộc ở trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người Giao chỉ tên là Lý Cầm làm lính túc vệ hầu vua ở trong điện, rủ mấy người bản xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm thiết. Hán đế mới cho một người Giao chỉ đỗ mậu tài đi làm quan lệnh ở Hạ dương và một người đỗ hiếu liêm làm quan lệnh ở Lục hợp. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư lệ Hiệu  úy và lại có Trương Trọng cũng là người Giao chỉ làm thái thú ở Kim thành. Người Giao chỉ ta được làm quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cầm vậy.
  
Sĩ Nhiếp (187 - 226).
Về cuối đời nhà Đông Hán, giặc cướp nổi lên khắp cả bốn phương, triều đình không có uy quyền ra đến ngoài, thiên hạ chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao chỉ bấy giờ nhờ có quan thái thú là Sĩ Nhiếp cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên. 
Tiên tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người nước Lỗ, vì lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sang ở đất Quảng Tín, quận Thương ngô, đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông thân sinh tên là Sĩ Tứ làm thái thú quận Nhật nam, cho Sĩ Nhiếp về du học ở đất Kinh sư, đỗ hiếu liêm được bổ Thượng thư lang, vì việc quan phải cách, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ mẫu tài được bổ sang làm Thái thú ở quận Giao chỉ.

Năm quí mùi (203) là năm thứ 3 đời vua Hiến đế quan Thứ sử là Trương Tân cùng với quan Thái thú Sĩ Nhiếp dâng sớ xin cải Giao chỉ làm Giao Châu. Vua nhà Hán Thuận cho. Sau vì trong châu có lắm giặc giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái thú quận Cửuchân, quận Hợp phố và quận Nam Hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao châu khỏi loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến đế lại phong cho chức An viễn tướng quân Long độ đình hầu Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm mộ công đức, mới gọi tôn lên là Sĩ vương. 

Nhà làm sử thường cho nước ta có văn học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà Hán cai trị đất Giao chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao chỉ đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp mới có nho  học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học trong khi làm quan, lo mở mang sự học hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ nghĩa, cho nên về sau mới được, cái tiếng làm học tổ ở nước Nam tưởng như thế thì có thể hợp lẽ hơn. 

II. Đời Tam Quốc (220 - 265)
 
1. Nhà Đông Ngô (222 - 280).
Nhà Đông Hán mất ngôi thì nước Tàu phân ra làm ba nước: Bắc ngụy, Tây thục, Đông ngô. Đất Giao  châu bấy giờ thuộc về Đông ngô. 
Sĩ Nhiếp ở Giao châu được 40 năm, tuy thiệt có uy quyền ở cõi Giao  châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán, và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô. 

Năm bính ngọ (226) là năm Hoàng vũ thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con Sĩ Huy tự xưng làm Thái thú. Ngô chủ là Tôn quyền bèn chia đất Giao  châu, từ Hợp phố về bắc gọi là Quảng châu. Sai Lữ Đại làm Quảng Châu thứ sử, Đái Lương làm Giao châu thứ sử, và sai Trần Thì sang thay Sĩ Nhiếp làm thái thú quận Giao chỉ.

Bọn Đái Lương và Trần Thì sang đến Hợp phố thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ Sử Quảng châu là Lữ Đại mới tiến quân sang đánh dẹp, và cho người đến dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra hàng, Lữ Đại sai bắt Sĩ Huy đem chém đi, còn mấy anh em thì đem về Ngô triều làm tội. 

Ngô chủ lại hợp Quảng Châu và Giao Châu lại làm một, và phong cho Lữ Đại làm Thứ sử. Lữ Đại đem quân đi đánh quận Cửu chân có công được phong làm Giao châu mục. 

Nhà Tấn (256 420) 
1. Chính Trị Nhà Tấn.
Nhà Tấn được thiên hạ rồi, thấy nhà Ngụy vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ hàng và sai ra trấn các nơi để làm vây cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân vương thường vì lòng tham danh lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt nhục tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy nhược.

Thời bấy giờ ở phía tây bắc có những người nhung địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ lượt nổi lên chiếm giữ dần dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường giang rồi xưng đế, xưng vương, như nước Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán v. v... cả thảy trước sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ Hồ15. 
Đất Giao châu ta vẫn thuộc về nhà Tấn. Những quan lại sang cai trị cũng như quan lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh thoảng mới gặp được một vài người nhân từ tử tế, thì dân gian mới được yên ổn, còn thì là những người tham lam, độc ác, làm cho nhân dân phải lầm than khổ sở. Cũng lắm khi bọn quan lại có những người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn. 

2. Nước Lâm Ấp quấy nhiễu Giao Châu.
ĐẤt Giao châu lúc bấy giờ trong thì có quan lại nhũng nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm ấp vào đánh phá. 
Nước Lâm Ấp (sau gọi là Chiêm Thành) ở từ quận Nhật nam vào cho đến Chân Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho đến đất Nam Việt bây giờ. Người Lâm ấp có lẽ là nòi giống Mã lai, theo tông giáo và chính trị Ấn Độ. Nước ấy cũng là một nước văn minh và cường thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không rõ nước ấy khởi đầu thành nước từ lúc nào. Sách "Khâm định Việt Sử" chép rằng: năm nhâm dần (102) đời nam có huyện Tượng lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá ở quận Nhật nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai trị ở huyện ấy, để phòng giữ sự rối loạn. 

Đến cuối đời nhà Hán có người huyện Tương lâm tên là Khu Liên giết huyện lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi nước là Lâm ấp. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng lên nối nghiệp. 

Trong đời Tam quốc, người Lâm ấp hay sang cướp phá ở quận Nhật nam và quận Cửu chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được Đông ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quận, nhưng quan thứ sử Giao châu là Đào Hoàng dâng sớ về tâu rằng: "Vua nước Lâm ấp là Phạm Hùng thông với nước Phù Nam hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật nam nếu lại giảm bớt quân ở Giao châu đi, thì sợ quân Lâm ấp lại sang đánh phá."

Xem như vậy thì nước Lâm Ấp đã có từ đầu đệ nhị thế kỷ. 
Phạm Hùng truyền cho con là Phạm Dật. Phạm Dật mất, thì người gia nô là Phạm Văn cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền cho con là Phạm Phật. 

Năm quí sửu (353) đời vua Mục đế nhà Đông Tấn, thứ sử Giao châu là Nguyễn Phu đánh vua Lâm ấp là Phạm Phật, phá được hơn 50 đồn lũy. Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm Hồ Đạt. Năm kỷ hợi (399) Phạm Hồ Đạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật nam và Cửu  chân rồi lại đi đánh Giao châu. Bấy giờ có thái thú quận Giao chỉ là Đỗ Viện đánh đuổi người Lâm Ấp, lấy lại hai quận. Đỗ Viện được phong làm Giao  châu thứ sử.

Năm quí sửu (413) Phạm Hồ Đạt lại đem quân sang phá ở quận Cửu chân. Khi bấy giờ con Đỗ Viện là Đỗ Tuệ Độ làm Giao châu thứ sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm ấp là bọn Phạm Kiện và bắt được hơn 100 người. 
Người Lâm Ấp vẫn còn hay tính đi cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật nam. Đỗ Tuệ Độ định sang đánh Lâm ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh thân (420) cất binh mã sang đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm ấp cứ hàng năm cống tiến: voi, vàng, bạc, đồi mồi v.v. Từ đó mới được tạm yên. 

Dòng dõi Phạm Hồ Đạt làm vua được mấy đời lại bị quan Lâm ấp là Phạm Chư Nông cướp mất ngôi. Phạm Chư Nông truyền cho con là Phạm Dương Mại. 

Khi Phạm Dương Mại làm vua nước Lâm ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam triều và Bắc triều. Phạm Dương Mại lại nhân dịp đó sang quấy nhiễu Giao châu.