Bà Triệu (Triệu Thị Chinh), Năm mậu thìn (248) là năm xích ô thứ 11 nhà Đông ngô, Ngô chủ sai Lục Dậu sang làm thứ sử Giao châu.
Năm ấy ở quận Cửu chân có người đàn bà tên là Triệu Thị Chinh khởi binh đánh nhà Ngô.
Sử ta chép rằng bà Triệu là người huyện Nông cống bấy giờ. Thủa nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt, dến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí khí và lắm mưu lược. Khi vào ở trong núi chiêu mộ hơn 1,000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà, thì bà bảo rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở bể đông chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta."
Năm mậu thìn (248) vì quan lại nhà Ngô tàn ác, dân gian khổ sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu quốc Đạt thấy bà làm tướng có can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng là Nhụy kiều tướng quân.
Thứ sử Giao châu là Lục Dận đem quân đi đánh, bà chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng . Nhưng vì quân ít thế cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân chạy đến xã Bồ điền (nay là xã Phú điền thuộc huyện Mỹ hóa) thì tự tử. Bấy giờ mới 23 tuổi.
Về sau vua Nam Đế nhà Tiền Lý, khen là người trung dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bất chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân". Nay ở xã Phú điền, tỉnh Thanh hóa còn đền thờ.
Năm giáp thân (264) là năm Nguyên hưng nguyên niên, vua nhà Ngô lại lấy đất Nam hải, Thương ngô và Uất lâm làm Quảng châu, đặt châu trị ở Phiên ngung; lấy đất Hợp phố, Giao chỉ, Cửu chân, và Nhật nam làm Giao Châu, đặt châu trị ở Long Biên. Đất Nam Việt của nhà Triệu ngày trước thành ra Giao châu và Quảng châu từ đấy.
Đất Giao châu đời bấy giờ cứ loạn lạc mãi, những quan lại nhà Ngô thì thường là người tham tàn, vơ vét của dân, bởi vậy người Giao châu nổi lên giết quan thái thú đi rồi về hàng nhà Ngụy.
Năm ất dậu (256) nhà Tấn cướp ngôi nhà Ngụy, rồi sai quan sang giữ Giao châu. Nhà Ngô sai Đào Hoàng sang lấy lại. Đào Hoàng được phong là Giao châu mục. Năm canh tí (280) nhà Ngô mất nước. Đào Hoàng về nhà Tấn, được giữ chức cũ. Đất Giao châu từ đó thuộc về nhà Tấn.