Một thắng cảnh ở Huế là Cửa biển Tư Hiền, cửa biển này có tên vào đời Trần là Cửa Tư Dung. Gọi như thế là để kỷ niệm chuyện Huyền Trân công chúa gả về Chiêm Thành. Lưu truyền rằng xưa kia có con voi rừng chở một vị tướng quân bị thương băng rừng từ Bạch Mã về cửa Tư Dung (Tư Hiền). Kiệt sức, con voi trung hậu gục đầu uống nước đầm Cầu Hai, rồi nằm lại vĩnh viễn. Từ đó, đèo Voi (Phước Tượng) là dãy núi chạy thoai thoải ra cửa biển Tư Hiền.
Cửa biển Tư Hiền
Từ khi cầu Tư Hiền đưa vào sử dụng, việc đi lại dễ dàng hơn, không còn cảnh đò giang cách trở. Theo quốc lộ 1A từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi đèo Phước Tượng rẽ tay phải theo quốc lộ 49B khoảng 10km là qua cầu Tư Hiền và con đường kéo dài đến tận Thuận An. Đoạn đường này dài 45km, đi qua những làng biển thuộc hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Cầu Tư Hiền
Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình nơi thông phá Tam Giang với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: cửa biển này trước đây gọi là cửa Tử Dung. Sau này, công chúa Huyền Trân con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó cửa có tên Tư Dung. Tư Dung do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành.
Khung Cảnh cửa biển Tư Hiền - Phú Lộc
Người ta biết Huế là một cố đô của Việt Nam. Người ta biết Huế có nhiều thắng cảnh thiên nhiên quyến rủ. Người ta còn biết con người Huế thường kín đáo mà thâm trầm. Tuy nhiên cũng nên biết thêm rằng, cảnh Huế và người Huế luôn luôn có tương quan mật thiết với nhau tạo nên một bản sắc đặc biệt trong lịch sử văn hóa địa phương cũng như trong lịch sử văn hóa dân tộc. Hầu như là người Huế thì ít nhiều chi :
Ở mô cũng nhớ quê mình
Nhớ sông Hương gió mát, nhớ non Bình trăng treo.
Cửa biển Tư Dung là một trong những thắng cảnh đặc biệt của xứ Huế. Tư Dung, nay là Tư Hiền, là một trong hai cửa biển của tỉnh Thừa Thiên, ở về hướng đông bắc huyện Phú Lộc. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán Huế thì " cửa rộng 8 trượng, khi nước lên sâu 3 thước, khi nước ròng sâu 2 thước, nước cạn thuyền lớn đi không được. Xưa có đặt Thủ sở, có binh túc trực tuần phòng ngoài biển, phía tây cửa biển có hành cung Túy Vân sơn.