Thai Dương Hạ trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà, riêng thôn Thai Dương trở thành xã Thuận An và gần đây sáp nhập vào thị trấn Thuận An.Cả hai làng thôn đều thờ ngài khai canh Trương Thiều, một vị thủy tổ thành lập làng, đồng thời là người mở đầu nghề cá cho làng. Do đó hàng năm vào dịp đầu xuân, cả hai làng thôn, cũng như các làng ven biển đều có lễ xuân tế kỳ yên để tế thần linh, tổ tiên và cầu ngư.
Lễ hội xuân tế của làng Thai Dương Hạ tổ chức tại đình làng Thai Dương Hạ vào ngày mồng 9 và 10 tháng giêng. Lễ hội xuân tế của thôn Thai Dương tổ chức tại đình thôn vào ngày 11 và 12 tháng giêng. Cả hai đều theo lệ tam niên đại lễ, vào các năm tý, ngọ, mão, dậu.
Chiều hôm trước mở đầu bằng lễ rước thần từ các am miếu về đình, nghi vệ gồm có cờ xí, lỗ bộ, chiêng trống, dàn nhạc bát âm và một đoàn người gánh chiếc ghe tượng trưng, cùng các vị hương lão, tráng niên tạo thành một đoàn rước trang nghiêm diễu hành từ đầu đến cuối làng và rước vào đình. Buổi tối là lễ túc yết, với nội dung là cúng lễ vật để cáo yết với thần linh.
Sau lễ túc yết thường là đêm diễn tuồng, vừa là một nghi tiết dâng cúng, vừa để toàn dân thưởng thức.Rạng sáng hôm sau, khoảng 2 giờ sáng là mở đầu lễ chánh tế với đầy đủ nghi thức cổ truyền dâng hương, dâng rượu tam tuần, đọc chúc với sự hòa âm của phường bát âm và chiêng trống.Khoảng 6 giờ sáng lễ trình nghề được diễn bên ngoài sân đình.
Sau 3 hồi trống lớn của vị chấp lệnh, các tráng đinh đóng vai ngư phủ, trong trang phục áo dài đen, quần dài trắng, chít khăn đỏ, thắt dây lưng vàng, tung cần câu. Lập tức đoàn trẻ em đóng vai cá, tranh nhau đớp mồi. Một toán ngư phủ khác tung lưới vây đàn cá. Vòng lưới hẹp dần, một ngư phủ trên ghe nhảy xuống bắt lấy con cá to nhất đem vào đình để cúng tượng trưng cho thần linh.Trong khi đó, trên mặt đầm phá, các ngư dân chèo ghe thuyền biểu diễn các trò kéo rớ, bủa lưới, xúc khuyết, câu mực.
Lễ hội diễn tiến với màn các bà buôn cá mặc cả, trả tiền, đặt cá vào quang gánh, gánh ra chợ. Mọi người hân hoan trong niềm vui tái hiện cảnh chài lưới, mua bán tấp nập. Sau đó lễ hội trình nghề chấm dứt, để mở đầu hội đua trải trên đầm phá...Trải là một loại thuyền đua, đóng bằng 3 tấm ván dài làm đáy và mạn, chứa được 14 tay chèo một người chèo mũi, 1 người chéo lái và 6 cặp bơi ngồi thành hai hàng, đồng loạt bơi chèo tham dự các giải đua. Có khoảng 6, 7 chiếc, trong đó mỗi chiếc do mỗi phường xóm đăng ký.
Cuộc đua diễn ra nhiều giải, từ sáng đến chiều, mở đầu với 1 giải cúng với giải thưởng là mâm cau trầu rượu, kết thúc là giải phá với phần thưởng là các giải lụa đỏ, và xen giữa là nhiều giải tiền, với giải thưởng bằng tiền mặt. Mỗi giải đua với lộ trình 3 vòng 6 tráo, lộn về trung lưu quay lên vè thượng lưu, chèo xuống vè hạ lưu trở lại vè trung lưu là 1 vòng 2 tráo. Cứ như thế hết vòng thứ ba, lại vòng theo vè trung lưu để vào giật giải.Lễ hội kết thúc khi hoàn tất giải phá vào xế chiều, chấm dứt một dịp lễ hội mùa xuân tưng bừng náo nhiệt, và mở đầu một năm làm lụng khó nhọc của nhân dân.