Trấn Hải Thành nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 13km về phía Nam, thuộc địa phận thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang. Đây là một thành lũy được vua Gia Long xây dựng vào năm 1813 tại cửa Eo.
Trận bão năm 1904 đã đổi dời cửa biển, lấp cửa cũ, mở cửa mới chỉ cách đó chừng 3km về phía Đông. Nhân dân gọi cửa Thuận An cũ là cửa Lấp hoặc cửa Eo. Trấn Hải Thành có một vị trí đặc biệt về lịch sử, địa lý trong suốt hai thế kỷ. Nó chứng kiến những biến động lịch sử của thời kỳ đấu tranh gian khổ chống giặc ngoại xâm của quân và dân biển Thuận An.
Thành gồm hai lớp, hai cửa, cửa chính ở mặt trước có ghi ba chữ Trấn Hải Thành và cửa phụ ở mặt sau. Quanh thân thành đắp 39 ụ để súng được đắp vào năm 1931 dưới thời vua Minh Mạng. Dọc theo ngoài chân thành là hệ thống hào rộng và sâu, trước đây trồng hàng ngàn cây dừa để chống sụt lở đất.
Bên trong thành có đặt Quan Hải Lâu với những ống kính thiên lý phục vụ cho việc quan sát, canh phòng mặt biển từ xa, theo dõi tàu thuyền qua lại ngoài khơi và ra vào cửa khẩu. Năm 1840, theo lệnh vua Minh Mạng, lầu Quan Hải có thêm một chức năng là ngọn hải đăng cho tàu thuyền qua lại vùng biển nơi này, với một chiếc đèn lồng lớn trong bồi giấy trắng, ngoài bồi bằng lụa mỏng, treo trên chòi cao cột cờ và được thắp sáng hàng đêm.
Trong suốt 4 đời vua đầu triều Nguyễn từ vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị đến vua Tự Đức, liên tục có những đợt tu sửa với quy mô lớn nhỏ khác nhau ở Trấn Hải Thành như xây kè, đóng cọc, đổ đá, gia cố móng, trồng thêm dừa chắn sóng và chống xói lở...Với tất cả những cố gắng trên, các vua nhà Nguyễn tin tưởng vững chắc vào thành Trấn Hải - nơi trấn giữ trọng yếu mặt biển, bảo vệ cho Kinh Thành. Họ gọi đó là "Kim thành thang trì".
Năm 1998, Trấn Hải Thành đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia và ngay từ năm 1993, đã trở thành một bộ phận trong Quần thể di tích Cố đô Huế, Di sản Thế giới.