Trong quá trình đào xới quặng titan tại bờ biển Mỹ Khánh xã Phú Diên, huyện Phú Vang, các công nhân khai thác quặng titan tình cờ phát hiện một tháp Chăm nằm sâu dưới lòng đất - tháp Chăm Mỹ Khánh. Tháng 5, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã tiến hành các biện pháp bảo vệ tháp như: xây dựng nhà che mưa nắng, khoanh vùng, dựng nhiều cột gỗ chống nghiêng đổ, xây đê bao tránh cát bay vùi lấp và chặn nước xói mòn...
Tháp bị vùi sâu dưới lòng cát và chỉ cách bờ biển 120 m. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tháp Chăm Mỹ Khánh có niên đại sớm nhất, được xây dựng vào thế kỷ VIII, thuộc nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chàm khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững. Tháp là công trình kiến trúc văn hóa Chămpa còn nguyên vẹn nhất kể từ khu vực Bắc Hải Vân trở ra.
Nay nhìn từ bên ngoài vào, tháp có 1 bệ thờ lộ thiên và 4 cửa. Cửa chính quay mặt ra Biển Đông, hướng đông là cửa đi ra vào đã bị sụp đổ một bên. Còn lại 3 cửa giả, có kiểu dáng, kích thước giống nhau, cửa hướng nam khá nguyên vẹn, cửa hướng tây nứt ở vòm, cửa hướng bắc nghiêng lệch ở chân đế. Tháp có kiến trúc hình chữ nhật, dài 8,22 m, rộng 7,12 m, và giật cấp thu nhỏ dần thân tháp phía trên, thuộc dạng tháp lùn.
Các vòm cửa khá hài hòa, trang trí đầu cột và góc mái với 10 lớp gạch nhô lần ra. Dưới là phần cột bo tròn, kết cấu thô sơ nhưng không dấu được nét mềm mại. Trong lòng tháp có một Youni bằng đá hình vuông, giữa còn một cái gờ hình tròn là chân đế một Linga. Phần trang trí ở chân tháp có hình người, những viên gạch nung xen kẽ ngang dọc.