Từ đường Thanh Bình nằm ở đường Chi Lăng, phường Phú Hiệp, cố đô Huế là nhà thờ Tổ sư ngành hát tuồng đặt tại xóm tuồng Thanh Bình. Từ đường Thanh Bình do các nghệ nhân tuồng dựng nên từ năm Minh Mạng thứ 5 tức 1825 để làm nhà thờ kiêm hội quán. Vừa dùng để thờ phụng tổ nghề, các thánh thần được suy tôn là Thánh Sư, Tiên Sư, Tổ Sư và những người có công trạng đối với nghệ thuật sân khấu Tuồng Huế và khu vực miền Trung, các nghệ nhân quá cố, đồng thời vừa làm nơi sinh hoạt, hội họp.
Thanh Bình Từ Ðường là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, tường xây bằng gạch, bộ mái bằng gỗ, lợp ngói liệt. Các kèo, xuyên, quyết trang trí đơn giản. Nhà hướng Ðông và đã được trùng tu, sửa chữa vào các năm 1958, 1992 và năm 2000. Di vật còn lại là tấm bia đá khắc năm xây dựng Từ đường (1825) đặt nằm ở bên trái, phía bên phải là tấm bia bằng xi măng ghi những người có công trong việc trùng tu nhà thờ năm 1958.
Trước cửa là bức hoành phi lớn sơn son thiếp vàng, khắc chữ “Thanh Bình Từ Đường” làm vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Ngoài ra, Từ đường hiện còn lưu một hiện vật quý giá là tờ mục bằng vải (Gia Phả Từ đường) và một số sắc phong của triều Minh Mạng ban tặng.
Trải qua nhiều năm, nghề hát tuồng dần dần bị mai một, nhiều nghệ nhân phải bỏ nghề vì không đủ sống. Từ đường Thanh Bình cũng từ đó mà trở nên hoang phế. Sau năm 1975, ngành văn hoá tỉnh đã tiến hành trùng tu, tôn tạo di tích và được xếp hạng quốc gia vào năm 1992.
Hàng năm các diễn viên đến đây để làm lễ tế tổ sư vào mùa xuân gọi là Xuân tế (Rằm tháng Ba) và vào mùa thu, Thu tế (Rằm tháng Bảy).
Lễ diễn ra ở giữa từ đường, theo những nghi thức truyền thống, cũng có chủ tế, bồi tế, người đông xướng, tây xướng dẫn lễ. Sau lễ tế là biểu diễn hát thất kích, với đội hát gồm 9 người; bài thất kích dài hơn 300 câu. Cuối buổi lễ là chèo lễ Đại Đoàn. Đội chèo Đại Đoàn gồm từ 12 đến 24 người, trang phục theo cách hóa trang của tuồng. Lễ tế tổ ngành tuồng không chỉ dành riêng cho xóm tuồng Thanh Bình, mà hầu hết các gánh tuồng cũng về đây dự.