Thừa Thiên Huế có dãy núi Truồi cao vời vợi.Từ đó, dòng nước mội rỉ thấm thành khe, suối, thác, ghềnh, hợp lưu thành dòng sông quanh co lượn vòng xuôi về đồng bằng, phía Đông Nam tạo ra sông Truồi, sông Nông; phía Đông Bắc có sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu.
Bên bờ sông Ô Lâu
Dòng Ô Lâu chảy lượn vòng ôm gọn huyện Phong Điền (gồm các xã Phong Mỹ, Phong Thu, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Chương, bờ đông Ô Lâu có Điền Hương, Điền Môn, Điền Lộc, Điền Hòa …) Mùa hè nước chảy êm đềm, dòng nước trong xanh, mát mẻ; sang đông thời tiết lạnh giá, nước ngập dòng lai láng bốn bề toàn nước lũ. Sau lũ thiên nhiên trả lại phù sa màu mỡ làm xanh tốt ruộng đồng, cây cỏ tốt tươi, nguồn lợi hải sản phong phú làm cho đời sống cư dân được ấm no, phát tài.
Cảnh sống thường nhật của người dân trên dòng sông Ô Lâu
Tuy dòng Ô Lâu nhỏ bé nhưng giao thông nối tiếp mọi miền từ cửa Việt, cửa Tùng đến Thuận An tạo ra lối đi chính của thuở xa xưa. Thời chúa Nguyễn Hoàng thì rộn ràng kẻ ngược người xuôi tấp nập về Phú Xuân xây dựng Kinh Đô mới. Có phố hội Ưu Điềm, thương lái, thuyền ghe tấp nập, làng nghề Gốm sứ, Chạm mộc, Chiếu đay, Kim hoàn phồn thịnh lập nên ở đôi bờ. Đất hiền lành sinh ra anh hùng hào kiệt, danh nhân, thi hào, anh tài giúp dân, giúp nước trải theo dòng lịch sử Việt Nam như : Trần Văn Kỷ, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Quốc Oai,Trần Dĩnh Sỹ, Nguyễn Lộ Trạch,Trần Gia Giản.. và muôn vạn người dân thật thà, chất phát.