Sông Như Ý chảy dài theo đường Hàn Mặc Tử, xuôi qua các làng quê ở hai bên bờ với những tên gọi dễ thương: Vân Dương, Công Lương, Dạ Lê, Vân Thê, Thanh Thủy Chánh, Mỹ Lam.... Cái tên Như Ý mà nhân đân đặt cho thật đúng với phong cách của Huế - kiều diễm và mơ mộng.
Thả đèn hoa đăng trên sông Như Ý
Tên chữ của sông Như Ý là Thiên Lộc Giang (sông Lộc Trời). Trước đây là nhiều đoạn kênh rạch riêng rẽ, khoảng thế kỷ XVII các chúa Nguyễn cho đào nối các kênh rạch này thành dòng liên tục nối sông Hương với sông Lợi Nông đổ ra đầm Hà Trung thuộc Phá Tam Giang để tạo ra sông Như Ý. Khi đó dòng sông này chia nước chống lụt sông Hương và là tuyến giao thông thủy quan trọng cả về kinh tế lẫn phòng thủ Kinh Đô.
Cảnh đẹp sông Như Ý
Là con sông đẹp nhất Kinh thành Huế xưa, hai bên bờ sông dày đặc đình đền, nhà thờ họ. Con đường bên bờ Đông chạy qua nhiều làng cổ như Ngọc Anh, Chiết Bi, Văn Khê…cho đến cầu ngói Thanh Toàn. Dọc bờ Tây có lăng Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần con trai thứ 4 của Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), đền thờ Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết, người đồng khởi xướng phong trào Cần Vương (1885). Vùng đất ven sông có nhiều nhà cổ và xanh mướt cây trái, là nơi hấp dẫn du khách du lịch đường sông.
Chài lưới trên sông Như Ý