Phu Văn Lâu

Nằm ngay sát bờ sông Hương, Phu Văn Lâu tuy là một công trình kiến trúc nhỏ nhưng  lại mang giá trị cao về mặt lịch sử lẫn văn hóa. Phu Văn Lâu là công trình kiến trúc nằm ở phía bên ngoài mặt tiền của Kinh Thành Phú Xuân, nay thuộc phường Phú Hoà, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Công trình kiến trúc này nằm trước khu vực kì đài. Phu Văn Lâu là nơi niêm yết những chiếu thư của Vua thời Nguyễn hay bảng kết quả các cuộc thi Hội, thi Ðình.

Phu Văn Lâu

Ở vị trí của Phu Văn Lâu trước đây, trong những năm đầu đời Gia Long, triều đình đã cho xây dựng một đình nhỏ để treo bảng thông báo gọi là Bảng Đình. Đến thời Minh Mạng, nhà vua đã định thể thức để nơi đây trở thành nơi công bố những chiếu thư quan trọng của nhà vua. Năm 1819, Bảng Đình được xây dựng lại khang trang hơn và được đổi tên thành Phu Văn Lâu. Từ năm 1821, sau khi truyền lô, danh sách các khoa danh tiến sĩ được đem niêm yết tại đây. Tiếp theo đó, công trình được trùng tu nhiều lần vào các năm 1905, dưới thời Thành Thái  sau trận bão lịch sử năm Thìn và năm 1922, dưới thời Khải Định. Lần trùng tu gần đây nhất là vào các năm 1994 - 1995.

Phu Văn Lâu

Năm 1826, nơi đây đã từng diễn ra một cuộc đấu giữa voi và cọp để vua Minh Mạng xem. Vào các dịp tứ tuần, ngũ tuần của Minh Mạng có nhiều cuộc vui khác cũng được tổ chức ở đây. Về sau các vua Thiệu Trị, Tự Ðức cũng giữ cái lệ ấy nhân những ngày khánh thọ của mình. Vua Thiệu Trị xem sông Hương và lầu Phu Văn là một trong 20 cảnh đẹp ở chốn Thần Kinh.

Phu Văn Lâu

Phu Văn lâu có hai tầng mái lợp ngói hoàng lưu ly. Tất cả khung cột đều được làm bằng gỗ lim. Ở tầng dưới có lan can cao 65cm, quét vôi màu vàng nhạt, không gian hoàn toàn để trống, chỉ trừ những ngày niêm yết chiếu thư, dụ chỉ và kết quả các khoa thi. Sau khi đã được tuyên đọc ở điện Thái Hòa hay cửa thành Ngọ Môn, người ta đặt chiếu thư lên một cái long đình có lọng che để quân lính cung Nghinh ra yết tại lầu. Các quan tỉnh Thừa Thiên theo hàng hàng bô lão cung kính đến lạy các chiếu thư. Từ năm 1821, sau khi truyền lô, danh sách các khoa danh tiến sĩ được đem niêm yết tại đây.

Phu Văn Lâu

Ở tầng trên, cả bốn mặt đều dựng ván gỗ kiểu đố lụa khung tranh. Mặt trước trổ cửa sổ vuông, hai mặt bên trổ cửa sổ tròn, tượng trưng cho khái niệm âm dương. Chạy quanh bên ngoài là hệ thống lan can bằng gỗ rất trao chuốt. Ngày xưa, ở sân trước của Phu Văn Lâu, triều đình bố trí hai khẩu thần công cỡ nhỏ bằng đồng chầu vào giữa. Bên ngoài lề đường dựng bia đá có ghi "khuynh cái hạ mã" nhắc nhở tất cả mọi người đi ngang qua Phu Văn Lâu phải "nghiêng nón xuống ngựa".

Phu Văn Lâu

Gần bên phải Phu Văn Lâu còn có tấm bia trên khắc bài thơ "香 江 晓 泛 - Hương giang hiểu phiếm” nói về cảnh đẹp của sông Hương, một trong hai mươi thắng cảnh đất thần kinh mà vua Thiệu Trị đã ca ngợi. Phu Văn Lâu đã được tu bổ nhiều lần nhưng vẫn giữ nguyên cốt cách đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.   Hình ảnh Phu Văn Lâu và bến thuyền (trước mắt nhà Lương Tạ, còn gọi là Nghinh Lương Đình) đã đi vào lịch sử qua câu hò mái nhì man mác của cụ Ưng Bình Thúc Gia nhắc lại chuyện vua Duy Tân ra ngồi giả câu cá để bàn việc khởi binh chống Pháp ngày nào: 

"Chiều chiều trước bến Văn lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm.
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!"

Nguồn: Sưu tầm

Địa điểm khác trong vùng

Làng nón bài thơ Tây Hồ

Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm...

Làng Thái Dương Hạ

Thai Dương Hạ trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà, riêng thôn Thai Dương trở thành xã Thuận An và gần đây sáp nhập...

Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Khu phố được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa với sự tham gia của bốn doanh nghiệp địa phương và 24 hộ kinh...

Phu Văn Lâu nằm trong

Cố đô Huế

127 địa điểm ở đây

Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là...