Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là ngôi nhà vườn danh tiếng ở cố đô Huế, có sức hấp dẫn đối với du khách thập phương. Đó là một khuôn viên biệt lập quanh năm tỏa mát bóng cây, tọa lạc nơi vùng đất Gia Hội xưa, nằm về phía đông Kinh Thành Huế.
Đây là nơi thờ tự công chúa Ngọc Sơn, nhũ danh là Nguyễn Phước Hỷ Hỷ, con gái của vua Đồng Khánh. Bà kết hôn với Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, con trai của Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, đại thần triều Nguyễn. Sau khi hạ sinh được một bé gái, công chúa Ngọc Sơn mắc bạo bệnh và qua đời khi mới 20 tuổi. Thể theo nguyện vọng của bà, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn tục huyền với một người trong hoàng phái nhà Nguyễn là quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân, con gái của Kiên quận công Nguyễn Phước Ưng Quyến, em trai vua Đồng Khánh.
Năm 1921, ông Nguyễn Hữu Tiễn cho xây dựng trên mảnh vườn rộng gần 2.400m2 một biệt phủ theo lối kiến trúc điển hình của nhà vườn Huế, làm nơi thờ tự vong linh công chúa Ngọc Sơn, chánh thất của ông. Đây cũng là nơi ăn ở của gia đình ông, cùng 7 người con với người vợ thứ hai là bà quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân. Trải hơn 90 năm, phủ thờ Ngọc Sơn công chúa đã được các hậu duệ của vị phò mã Nguyễn Hữu Tiễn gìn giữ, phụng thờ và bảo tồn gần như nguyên vẹn mặc cho cố đô Huế và vùng đất Gia Hội nói riêng đã trải bao phen dâu bể.
Công trình kiến trúc chính của phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một tòa nhà kép: tiền đường ba gian có hàng cột hiên bằng gạch trát vữa, quét vôi màu vàng, với những chi tiết trang trí theo kiểu nhà Âu, vốn rất thịnh hành ở Huế vào hồi đầu thế kỷ XX; chính đường ba gian hai chái, theo đúng phong cách nhà rường Huế với mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa chủ đề “mây hóa long”, có khung sườn bằng gỗ với bốn hàng cột mỗi chiều và những bộ vì kèo được chạm trổ tinh tế, cùng với những bức hoành phi, đối liễn chạm khắc chữ Hán trang hoàng khắp ba gian nhà.
Nhìn tổng thể, tổ hợp kiến trúc chính của phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một khối kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Huế với những chi tiết trang trí và vật liệu kiểu Âu được thể hiện rõ nét ở hàng cột hiên của tiền đường, ở phần trang trí nơi móng nhà, ở những ngọn đèn gương gắn ở hàng cột hiên và hệ thống con-xơn bằng xi măng đỡ bộ mái ở hai đầu hồi nhà. Tổ hợp kiến trúc ấy được khéo léo đặt vào một khuôn viên có sự “xếp đặt” dựa theo các nguyên tắc phong thủy và triết lý Á Đông, với tiền án (hòn non bộ), minh đường (hồ sen và bể cạn), tả long và hữu hổ (hai kỳ thạch bài trí ở hai bên tiền đường).
Trong phủ thờ công chúa Ngọc Sơn còn có chiếc bàn làm từ gỗ lim nguyên khối, dát tam khí và có thể xoay tròn phục vụ cho các buổi yến tiệc của vua Khải Định.
Theo: Kham Pha Hue