Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường 1, Tp.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là núi Bảo Tháp hay Tháp Dinh. Núi cao 60 mét so với mặt nước biển, có đường chu vi quanh núi khoảng trên 1 km.
Núi Nhạn trải mình in bóng trên dòng sông Đà Rằng trong xanh
Tên núi Nhạn hình thành do núi có hình thế như con chim nhạn xoè đôi cánh, với phần đầu là chỗ giao nhau giữa QL1A và sông Chùa, cổ thon nhỏ lại rồi phình to ra như đôi cánh chim ở phần đường Tản Đà. Luồng thông tin khác cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hoà, là nơi để loài chim nhạn làm tổ, trú ẩn. Sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền.
Tháp Chàm cổ kính trên núi Nhạn
Theo truyền thuyết, thuở xa xưa đất Tuy Hoà là một vùng đầm lầy trũng thấp, là nơi cư trú của nhiều loài thuỷ sinh và mãnh thú hung dữ. Đời sống của người dân luôn bị đe doạ. Và để tạo nên một cảnh sống mới, an toàn hơn về mọi mặt, một ngày kia người khổng lồ do Trời sai xuống gánh núi lấp đầy vùng trũng và lấn ra phía biển Đông. Thiên sứ khổng lồ kia miệt mài gánh đất và núi, làm rơi vãi từng cụm nhỏ ở núi Miếu (Hoà Quang) và gành Đá (Hoà Thắng)… và chẳng bao lâu thì lấp đầy cả cánh đồng Tuy Hoà bây giờ.
Tháp Chàm cổ kính được người Chăm xây dựng trên núi Nhạn
Và vì Vị thiên sứ kia gắng làm cho xong để sớm trở về trời nên đã gánh núi nặng gấp hai ba lần, đến nỗi khi gần tới biển, chiếc đòn gánh gãy đôi làm rơi xuống hai cụm núi là núi Nhạn và Chóp Chài. Đòn gánh gãy đồng nghĩa với công việc “xẻ núi lấp sông” không thể tiếp tục được nữa và thiên sứ khổng lồ nọ đành ngậm ngùi quay về Trời, chưa tạo được những cụm núi chắn sóng ngoài mạn biển xa. Câu chuyện huyền thoại này được truyền tụng từ khá lâu và có nhiều chi tiết khác nhau, nhưng nội dung chính là hai hòn núi Chóp Chài và núi Nhạn là do người khổng lồ làm gãy đòn gánh mà rơi xuống.
Tháp chàm trên núi Nhạn đẹp lung linh về đêm
Đứng ở độ cao chừng 64 m trên đỉnh núi Nhạn, du khách có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hoà, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, biển Đông và hai chiếc Cầu đường sắt và đường bộ dài 1.100 m bắt song song qua sông Đà Rằng. Trên đỉnh núi Nhạn có Tháp Chàm cổ kính, còn có tên gọi là Tháp Nhạn được người Chiêm Thành xây dựng.
Sông Đà Rằng đẹp nên thơ
Ngoài phong cảnh, khí hậu tuyệt vời, lên núi Nhạn, bạn sẽ được thăm ngôi tháp Nhạn cổ kính nằm trong quần thể di tích tháp Chăm ở Trung bộ. Tháp Nhạn nằm trên đỉnh núi Nhạn, được người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ 12. Nhìn tổng thể, tháp Nhạn tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc của người Chăm ở vùng đất Phú Yên xưa.
Bên cạnh tháp Nhạn còn có một công trình kiến trúc độc đáo nữa, đó là đài tưởng niệm. Đài tưởng niệm nằm bên con đường lên đỉnh núi, được khánh thành vào ngày 1.4.2007. Đây là một công trình văn hóa được chính quyền nhân dân Phú Yên đầu tư xây dựng công phu. Công trình gồm bảo tàng trưng bày ở bên dưới, phần trên có những mái thanh dọc màu trắng nhìn từ xa vừa như con sóng tung bọt, vừa như những cánh buồm no gió vươn ra khơi xa và cũng giống như những cánh chim nhạn tung bay.
Con sông Đà Rằng mênh mông nước tràn
Ngày nay, cụm thắng cảnh núi Nhạn - sông Đà Rằng trở thành biểu tượng của Phú Yên và tháp Nhạn đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Du khách đến tham quan, đứng trên đỉnh núi có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh TP.Tuy Hòa với biển xanh, đồng lúa bạt ngàn, sông Đà Rằng soi bóng và xa xa là núi Chóp Chài hùng vĩ cao ngút, hay ngọn Đá Bia.
Cận cảnh tháp Chàm trên núi Nhạn
Hàng năm vào dịp lễ, tết, trên núi Nhạn có tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, bên ngôi tháp Nhạn thường diễn ra đêm thơ Nguyên tiêu vào rằm tháng giêng hằng năm. Tính đến nay, đêm thơ Nguyên tiêu bên chân tháp Nhạn đã trải qua 32 mùa, là tiền đề để hình thành nên ngày thơ Việt Nam. Cứ mỗi mùa xuân về, văn nhân thi sĩ, du khách và người yêu thơ khắp nơi lại dập dìu lên núi Nhạn ngắm trăng thưởng ngoạn cảnh đẹp và trải lòng mình với thơ.