Nhà tù Pleiku thuộc địa phận phường hội thương Pleiku, tỉnh Gia Lai. Nhà tù được biết đến là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ giai đoạn trước 1975, với nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại đây.
Được thực dân Pháp xây dựng năm 1925, nhà lao là một quần thể kiến trúc gồm tường thành cao 3m bao bọc, bên ngoài có nhiều lớp rào bằng thép gai. Góc Tây Bắc và Tây Nam có 2 bốt gác, phía Đông đặt lô cốt bảo vệ. Dãy nhà giam chính gồm 5 phòng, riêng phòng số 5 được chia thành 8 xà lim, mỗi xà lim rộng 1,6m và dài 2m.
Trong số 8 xà lim này có 2 “xà lim chẹt” còn gọi là buồng chẹt, chỉ rộng khoảng nửa mét, là nơi giam cầm những người cộng sản mà thực dân Pháp cho là nguy hiểm. Mỗi buồng chẹt có tấm ván gỗ chia thành 2 tầng, khiến người bị nhốt bên dưới không biết ngày hay đêm, tối tăm, thiếu không khí để thở, thường bị ngất xỉu. Với buồng đặc biệt này, thân thể tù nhân ở trong, chân bị còng thò ra ngoài cửa, hình thức tra tấn mỗi ngày là dùng gậy gỗ đánh vào gan bàn chân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị. Lúc 17 giờ ngày 15 tháng 3 năm 1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, những phạm nhân trong nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân cách mạng từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku.
Để gìn giữ làm một cảnh quan sinh động giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ muôn đời sau, đồng thời đáp ứng được yêu cầu chính đáng của đồng bào các dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Thành phố Pleiku đã đầu tư một số hạng mục để cải tạo lại nhà lao. Đến ngày 12 tháng 12 năm 1994, Nhà lao Pleiku được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc Gia.
Nguồn: Sưu tầm