Những tháng trước, đến thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi một vùng quê trù phú hưởng đặc ân phù sa của sông Bồ với những cánh đồng rau má trải ra một màu xanh đến ngút mắt. Rau má đã giúp cả làng thoát nghèo và trở thành một vùng quê khấm khá với cái tên dân dã “làng rau má”.
Làng rau má xanh ngút ngàn Nhiều năm qua người dân làng Phước Yên luôn tự hào về cây rau má. Ngày trước, một số gia đình trong làng chỉ trồng một vài luống nhỏ rau má để phục vụ bữa cơm hàng ngày. Sau vài năm nhận thấy hiệu quả của nó, có thêm nhiều người trồng. Ông Trần Quảng Thiện, người đầu tiên trong làng trồng rau má kể: “Khoảng 7 năm trước, tôi thấy có người gánh rau má đi bán để ép nước uống, nước rau má rất mát, lại rẻ nên rất nhiều người mua. Tôi tự hỏi tại sao mình không trồng thử nhỉ. Thế là tôi trồng".
Người dân thu hoạch rau má Trồng cây rau má không chăm sóc phức tạp như lúa, chủ yếu là xới đất và nhổ cỏ, vốn đầu tư ít, năng suất lại cao (mỗi sào cho 2 tạ/lứa, mỗi năm thu hoạch hơn 10 lứa). Giá theo thị trường khoảng 3000 đến 5000 đồng/kg, bình quân khoảng gần 10 triệu đồng/sào/năm. Cái hay là thường xuyên có thu hoạch đều đặn - trên một luống rau cứ khoảng gần một tháng là cho thu hoạch, có tiền ngay. Rau má lại được ưa chuộng vì “đa năng”, vừa dùng làm rau ăn, nước giải khát, chữa được một số bệnh. Đặc biệt, trong những ngày hè nắng nóng thì mức tiêu thụ rau má rất cao bởi đặc tính giải nhiệt, mát mẻ và bổ dưỡng của nó. Tiểu thương đến mua đem đi tiêu thụ nhiều nơi và hiện nay rau má Phước Yên đã được nhiều nơi biết đến.
Rau má xây thành nước uống rất mát Hiện nay đã có khoảng 90% nông dân trong làng Phước Yên trồng rau má. Ai ai cũng tâm huyết với nghề, vừa mở rộng diện tích, vừa gắng làm rau má sạch, an toàn để bảo đảm thương hiệu, uy tín về chất lượng. Rau má Phước Yên không những tiêu thụ trong tỉnh mà còn được nhiều tiểu thương buôn rau xanh chở đi bán ở các tỉnh lân cận và nhiều khách du lịch quốc tế cũng đã thích rau má Phước Yên.