An Nhơn được xem là “đất trăm nghề” của tỉnh Bình Định. Đơn cử làng nghề làm bánh tráng, bún khô, khảm xà cừ tại thị xã An Nhơn luôn phục vụ tốt cho người tiêu dùng bởi chất lượng của các mặt hàng.
Làng bánh tráng Trường Cửu
Ở làng sản xuất bánh tráng Trường Cửu thuộc xã Nhơn Lộc, không khí sản xuất nơi đây rất nhộn nhịp với hơn 100 lò bánh tráng đang chạy. Từ sáng sớm, các lò bánh tráng ở đây đã bắt đầu nổi lửa, người ngâm gạo, người xay bột, người nhóm lò… với khí thế rất khẩn trương. Trên những con đường bê tông, vườn nhà, các khu gò đất trống…, nơi đâu cũng ngập tràn màu trắng lấp lóa của những phên bánh được phơi dưới ánh nắng mùa xuân.
Lò bánh tráng Trường Cửu tại làng nghề An Nhơn
Bánh tráng Trường Cửu từ xưa đến nay làm bằng loại gạo dẻo thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm bánh tráng ở địa phương đã có hướng mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để xay bột, sản xuất bánh tráng bằng máy, nên mọi công đoạn được thực hiện nhanh, ít hao hụt; chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên.
Những chiếc bánh tráng của làng nghề Trường Cửu dẻo dai được phơi dưới nắng
Làng bún khô An Thái
Làng nghề bún - bánh An Thái hiện có 120 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại địa phương. Các cơ sở sản xuất bún ở An Thái luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm để “giữ chân” khách hàng. Mỗi ngày một cơ sở của có thể chế biến khoảng 1 tấn gạo, cho ra 800 kg bún khô. Sản phẩm làm ra đến đâu đều được thương lái từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi.
Nghề làm bún khô không khó, các công đoạn làm bún không quá cầu kỳ, nhưng mỗi cơ sở đều có bí quyết riêng. Muốn bún ngon thì phải chọn được gạo dẻo thơm; bột gạo phải xay nghiền thật kỹ, ngâm lọc đúng và đủ thời gian...
Quá trình phơi bún khô ở làng nghề An Thái
Quy trình sản xuất bún được khép kín, các công đoạn từ xay gạo, vắt bột, khuấy bột… đều được cơ giới hóa. Thế nhưng, tay nghề và kỹ thuật của người “cầm máy” cũng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của mẻ bún thơm ngon. Bún sau khi rũ được phơi nắng sẽ khô nhanh, hàng sẽ bóng đẹp và thơm.
Làng cẩn xà cừ Cẩm Văn
Làng cẩn xà cừ Cẩm Văn là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của An Nhơn. Hiện ở đây có 10 cơ sở sản xuất với hơn 40 nghệ nhân, phần đông tuổi đời còn rất trẻ. Sản phẩm của làng nghề không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà nhiều người ở các địa phương khác như: Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và nhiều Việt kiều cũng tìm đến đặt hàng.
Nghệ nhân làng cẩn xà Cẩm Văn chăm chỉ đẻo gỗ
Để làng nghề tồn tại và phát triển, mỗi sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải thật đẹp, mang tính mỹ thuật cao và thật chất lượng. Do vậy, mỗi nghệ nhân ở đây không vì lợi nhuận cao mà đánh mất “bản sắc” truyền thống của làng nghề. Họ đã và đang tiếp tục tìm mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với người tiêu dùng.
Nguồn: Sưu tầm