Làng Cổ Diêm Trường

Tiền sử làng Diêm Trường có tên là làng Cả. Tên gọi làng Cả có thể xuất phát vì đây là nơi đầu tiên người Việt vào định cư sinh sống (theo từ Nôm thì  “cả” có nghĩa là đầu tiên). Cũng có người cho rằng do những người đầu tiên đến định cư ở làng Diêm Trường là những người của làng Cả ở tỉnh Bình Định di cư vào sinh sống và đem tên gốc của làng mình đặt tên cho làng. Làng Cả còn có tên gọi là làng Dài – tên gọi này có thể xuất phát từ địa hình của làng, do làng trải dài ven theo bờ đầm Cù Mông, là làng Cau do ngày trước các hộ dân đều có vườn trồng cau.

làng Diêm Trường Phú Yên
Cảnh dân chài trên sông ven Làng cổ Diêm Trường

Diêm Trường thuộc xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu, cách TP Quy Nhơn 30 km về phía Nam, cách thị trấn Sông Cầu khoảng 30 km và TP Tuy Hòa 76 km về phía Bắc. Theo địa bạ Phú Yên lập năm Gia Long thứ 14 - 15 (1815- 1816 CL), thôn Diêm Trường thuộc Hạ Bạc, huyện Đồng Xuân, đông giáp thôn Hoa Diêm, tây giáp Thạch Khê, nam giáp xã Bình An, bắc giáp thôn Toàn An; diện tích địa phận 5 mẫu 9 sào 3 thước (= 0,289 km2).

Vào cuối thế kỉ XVIII Nguyễn Ánh chọn nơi đây làm địa điểm cất giữ muối để cung cấp cho quân lính của ông ta trong cuộc chiến với Tây Sơn (dân ở đây còn gọi là “Kho muối”). Có lẽ từ đó nhà Nguyễn đặt tên nơi đây là làng Diêm Trường (theo từ Hán Việt  diêm có nghĩa là muối, trường có nghĩa là bãi đất, khoảng đất, khu đất rộng được dùng vào mục đích nào đó).

Diêm Trường là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, địa hình có đất bằng, núi, đầm; nằm dọc theo bờ tây đầm Cù Mông, khí hậu mát mẻ, có nguồn nước ngọt dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp nhiệt đới; là nơi thủy sản phong phú đa dạng, có nguồn thực phẩm dồi dào cung cấp cho dân sinh. Từ đầm Cù Mông dân Diêm Trường theo đường biển giao thương với các vùng miền. Đây là những điều kiện cơ bản và phù hợp cho việc định cư sinh sống và sản xuất lâu dài trên một vùng đất.

Diêm Trường từng là vùng đất định cư sinh sống ổn định lâu dài của cư dân có nền văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ, với các di chỉ còn lại ở Cồn Đình, Gò Ốc, Giồng Đồn,... Trước thế kỉ 17 người Champa từng định cư ở đây. Di tích còn lại của một vài ngôi đình, một số mộ cổ, những vườn cau, những hồ nước kè đá trong vườn còn sót lại tại một số vườn nhà cổ ở Diêm Trường các câu chuyện kể, một số tàn dư còn lại của các sinh hoạt văn hóa tinh thần minh chứng người Chăm đã sinh sống nhiều thế hệ tại làng này.

Qua khảo sát điền dã, hiện nay làng này không có dòng họ nào có gia phả hoặc phả húy truyền lại.

Nguồn: Sưu tầm

Địa điểm khác trong vùng

Thành An Thổ

Trong thời gian từ 1901 đến 1906, ông Trần Văn Phổ giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông đã đưa cả gia đình...

Chùa Thanh Lương

Chùa Thanh Lương tọa lạc tại thôn Mỹ Quang Nam thuộc xã An Chấn, huyện Tuy An, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 10km...

Đền Thờ Lương Văn Chánh

Lương Văn Chánh chính là vị thành hoàng có công lớn khai khẩn đất Phú Yên thời nhà Nguyễn. Đền thờ cụ được xây dựng...

Làng Cổ Diêm Trường nằm trong

Phú Yên

41 địa điểm ở đây

Phú Yên có phía bắc giáp tỉnh Bình Định, phía nam giáp Khánh Hòa, phía tây giáp Đăk Lăk và Gia Lai, phía đông giáp...