Gạo đỏ Quảng Điền vốn là sản phẩm quen thuộc được nhiều người dân ở Huế sử dụng. Trước đây, do năng suất thấp cùng với việc có thêm nhiều giống lúa ngắn ngày được đưa vào sản xuất nên giống lúa gạo đỏ hầu như không còn được trồng. Năm 2010, trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế đã giúp một số hộ nông dân xã Quảng Lợi về giống, kỹ thuật, phân bón để phục tráng thử nghiệm lại giống lúa gạo đỏ trên diện tích 1ha. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 20 năm, giống lúa gạo đỏ trồng ở vùng nước nhiễm mặn Quảng Lợi được phục tráng. Xuất phát từ mong muốn tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân, gạo đỏ nơi đây được đăng ký với thương hiệu gạo đỏ Quảng Điền
"Gạo đỏ Quảng Điền" được xem đặc sản vì sản lượng ít, nhưng hạt gạo nhiều dinh dưỡng và được xem là một vị thuốc trong đông y. Do vậy, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.
Cháo gạo đỏ ăn với cá bống kho tộ, được coi là món ăn vừa bình dân vừa bổ dưỡng của người Huế. Gạo đỏ xay xát còn lớp cám mỏng quanh hạt đem nấu cháo ít nát và giữ được mùi thơm. Đây gần như là món ăn sáng quen thuộc của nhiều thế hệ người dân từ người lớn đến trẻ nhỏ.
Tìm về với vùng đất trồng lúa gạo đỏ được coi là ngon và nổi tiếng nhất, đó là tại huyện Quảng Điền. Là một vùng đất mặn và sâu, nơi đây chỉ thích hợp duy nhất với giống lúa đặc biệt này. Thế nhưng, phần vì năng suất thấp, phần vì thời gian thu hoạch lâu hơn bình thường, thế nên nhiều hộ nông dân ở đây đã từng muốn bỏ ruộng.
Gạo đỏ tại đây thường trồng trong khoảng thời gian hơn 5 tháng, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha và đặc biệt không dùng thuốc trừ sâu bởi giống lúa này không hề có sâu bệnh. Chính vì vậy, giá bán luôn ở mức cao gấp 2, thậm chí gấp 3 giá lúa bình thường.