Đình Ngọc Lãng là một di tích lịch sử văn hóa có từ lâu đời. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương gắn với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Ngọc Lãng. Nay thuộc làng Ngọc Lãng, xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa)
Chính diện Đình Ngọc Lãng
Đình Ngọc Lãng nằm trên một khuôn viên rộng khoảng 3.000m2, xung quanh ruộng vườn tươi tốt, nhà cửa đông đúc. Đình quay mặt về hướng nam, trước mặt có sông Đà Rằng, xa hơn có núi Đá Bia như bức bình phong che chắn. Một câu đối viết ở mặt tiền ngôi đình đã nói rõ hơn vị thế của di tích này:
Cận lâm Đà thủy cung tiền giám
Viễn đối Bi sơn tác ngoại bình.
(Tạm dịch: Sông gần Đà Diễn lượn quanh/Núi xa Đại Lãnh như thành giăng ngang).
Theo thời gian, đình Ngọc Lãng đã nhiều lần di chuyển và xây dựng lại. Khởi đầu, đình tọa lạc ở khu vực đồng Cây Da, khoảng giữa thế kỷ XVIII, đình di dời vào một khu đất cao giữa làng, khu vực này đến nay vẫn còn có tên gọi là Vườn Đình, đến cuối thế kỷ XIX, đình bị hỏa hoạn thiêu cháy nên dân làng di chuyển đình về phía đông làng, tức là địa điểm hiện nay. Sau khi di chuyển đến địa điển mới, đình được xây dựng lại kiên cố với bộ khung bằng gỗ vững chắc, mái lợp ngói, tường xây bằng hợp chất cộng với đá núi và san hô. Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX ngôi đình này vẫn là công trình có quy mô lớn nhất ở Ngọc Lãng. Vào khoảng cuối năm 1946, đầu năm 1947, ngôi đình đã bị tháo dỡ để phục vụ công cuộc tiêu thổ kháng chiến. Đến năm 1971, dân làng Ngọc Lãng đã quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đình trên tàn tích cũ, đầu năm 2012, một số người dân ở Ngọc Lãng tiếp tục đóng góp kinh phí để trùng tu lại ngôi đình, đồng thời xây dựng thêm cổng tam quan và hai nhà hội ở hai bên tả, hữu tạo nên một khu di tích tương đối hoàn chỉnh.
Làng Ngọc Lãng mở hội hàng năm
Đình Ngọc Lãng được xây dựng theo kiến trúc truyền thống, gồm có ba gian, mái đình lợp ngói, nóc đình trang trí lưỡng long triều nguyệt, mặt tiền trang trí đơn giản với ba chữ quốc ngữ “Đình Ngọc Lãng”, trong khi đó ở trên cửa chính phía trong đề ba chữ Hán lớn “Ngọc Lãng Đình”. Hai bức tường hai bên là phần sót lại của kiến trúc cũ có từ cuối thế kỷ XIX, tường dày 0,4m, xây bằng hợp chất. Hai đầu hành lang trên các bức tường này còn sót lại hai bức phù điêu của các vị thần canh cửa với dáng vẻ uy nghi.
Chính điện đình Ngọc Lãng
Khám thờ trong đình thờ bài vị của những người có công đầu trong việc khai khẩn đất đai và tạo lập nên làng xóm. Trong đó Lê Văn Xuyến là Tiền hiền, đồng thời cũng là Thành hoàng của làng. Ông được xem là thần chủ của di tích này. Đình Ngọc Lãng còn thờ thần Bạch Mã, một tín ngưỡng quan trọng của người Việt. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết thần Bạch Mã xuất hiện từ thời Bắc thuộc, thần vốn trú ngụ tại núi Long Đỗ trong thành Đại La. Đến khi Lý Công Uẩn dời kinh đô từ Hoa Lư đến đây và đổi tên thành Thăng Long, thần Bạch Mã đã giúp nhà vua xây thành, vì thế thần Bạch Mã được xem là thần chủ của vùng đất Thăng Long và đã được phong Tối Linh Thượng đẳng thần.
Cận cảnh bài vị được thờ tại đình Ngọc Lãng
Ngoài ra, phía trước sân đình còn hai ngôi miếu nhỏ, miếu bên phải thờ Hậu Thổ, trên vách hậu của miếu đề hai chữ “Phối Thiên” tức là sánh bằng trời. Đây là miếu thờ vị thần cai quản đất đai của cả khu vực này, đó chính là Thiên Y A Na. Ngôi miếu bên phải thờ Ngũ Hành, gồm các hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đây là những nhân tố chính tạo nên trời đất theo quan niệm của người xưa.
Đình Ngọc Lãng được chứng nhận là Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh
Tại đình Ngọc Lãng còn lưu giữ một số tư liệu Hán - Nôm bao gồm một chiếu chỉ có từ đời vua Thiệu Trị, 6 sắc phong của các vua Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Nội dung của tờ chiếu chỉ và các sắc phong có liên quan đến Thành Hoàng làng và thần Bạch Mã.
Với những nội dung quan trọng đó, đình Ngọc Lãng xứng danh là chứng tích của vùng đất cổ nằm bên núi Nhạn, sông Đà.
Nguồn: Sưu tầm