Đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc được biết đến là đàn tế thần đất và thần lúa của triều Nguyễn ở Kinh đô Huế. Đàn tọa lạc ở bên trong Kinh thành, phía tây của Hoàng thành, xưa thuộc xã Hữu Niên (sau thành phường Ngưng Tích), nay thuộc địa phận phường Thuận Hòa, Thành phố Huế.


Đàn Xã Tắc Huế
Đàn Xã Tắc - Đàn tế thần đất và thần lúa

Đàn Xã Tắc là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành, công trình này là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia, lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (Đại tự).

Đàn Xã Tắc được đắp lộ thiên, gồm hai tầng, hình vuông, mặt nhìn về hướng bắc. Tầng trên cao 1,60m, cạnh dài 28m, mặt nền tô 5 màu theo nguyên tắc của ngũ hành: giữa màu vàng, phía đông màu xanh, phía tây màu trắng, phía nam màu đỏ, phía bắc màu đen. Trên nền còn đặt 32 bệ đá để cắm tàn. Tầng dưới cao 1,20m, cạnh dài 70m, mặt nền phía trước lát gạch, hai bên có bệ để cắm tàn.

Đàn Xã Tắc
Toàn cảnh Đàn Xã Tắc thời Nguyễn

Cả tầng trên và tầng dưới đều có lan can gạch cao 1m chạy xung quanh, chính giữa bốn mặt đều xây hệ thống bậc cấp để lên xuống. Mỗi khi tế Xã Tắc, lan can tầng trên được quét màu vàng, lan can tầng dưới được quét màu đỏ. Khi ấy, tầng trên đặt án thờ thần Đại Xã và Đại Tắc ở chính giữa. Đàn thờ thần Hậu Thổ, Càn Long thị và Hậu Tắc thị phối thờ ở hai bên.

Khuôn viên đàn Xã Tắc được giới hạn bằng một vòng tường gạch hình chữ nhật, cao 1,2m, chiều bắc-nam hơn 160m, chiều đông-tây hơn 200m. Mặt bắc tường trổ 3 cửa phường, các mặt còn lại chỉ trổ một cửa. Bên ngoài vòng tường, ở phía nam có một bình phong gạch, dài 10m, cao 3,70m, dày 0,85m. ở phía bắc, ngoài vòng tường đào hồ vuông, bờ kè đá, cạnh dài 60m.


Đàn Xã Tắc
Lễ tế thần ở Đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía Tây Hoàng Thành, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” của thành trì phương Đông truyền thống.

Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình, khi khởi công, tất cả các thành, dinh, trấn trong toàn quốc theo lệnh vua phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Bởi vậy, đàn Xã Tắc tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này. Lễ tế được chuẩn bị đầy đủ trước ngày tế 1 ngày.


Địa điểm khác trong vùng

Làng nón bài thơ Tây Hồ

Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm...

Làng Thái Dương Hạ

Thai Dương Hạ trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà, riêng thôn Thai Dương trở thành xã Thuận An và gần đây sáp nhập...

Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Khu phố được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa với sự tham gia của bốn doanh nghiệp địa phương và 24 hộ kinh...

Đàn Xã Tắc nằm trong

Cố đô Huế

127 địa điểm ở đây

Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là...