Cung An Định tọa lạc bên bờ sông An Cựu, xưa thuộc phường Đệ Bát - Thị xã Huế, nay tại số 97 đường Phan Đình Phùng, Thành phố Huế là cung điện riêng của vua Khải Định từ khi còn là thái tử đến khi làm vua, sau này được Vĩnh Thuỵ thừa kế và từng sống ở đây sau khi thoái vị. Cung An Định mang dấu ấn đậm nét của sự kết hợp giữa hai phong cách kiến trúc Đông, Tây trong lịch sử mỹ thuật Huế cũng như của Việt Nam.
Đặc biệt hơn, di tích này còn gắn với những vị vua và gia đình hoàng tộc cuối cùng của triều Nguyễn Sau những nỗ lực tu bổ, phục hồi, giờ đây di tích này đã được thổi một phần hồn với những hình ảnh tư liệu, hiện vật thể hiện sinh động đời sống, sinh hoạt của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.
Được vua Đồng Khánh cho xây dựng như là món quà tặng cho người con trai trưởng là Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo - vua Khải Định - với tên gọi ban đầu là phủ Phụng Hóa. Sau khi lên ngôi, tòa nhà này sau đó được vua Khải Định cho xây dựng lại ngay để tưởng niệm nơi mình sinh ra, lớn lên và được đổi tên thành cung An Định.
Như một báu vật cha truyền con nối, cung An Định lại tiếp tục được vua Khải Định ban tặng cho hoàng tử Vĩnh Thụy - vua Bảo Đại - làm của riêng. Năm 1945, sau khi thoái vị, vua Bảo Đại cùng mẹ là bà Từ Cung và vợ là bà Nam Phương cùng các con rời Hoàng Thành đến sinh sống tại đây.
Từ năm 1955, sau khi bị chính quyền Ngô Đình Diệm tịch thu và kéo dài hàng chục năm sau đó với việc sử dụng không đúng mục đích, công năng và không được trùng tu, bảo dưỡng, tòa nhà bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Mãi cho đến năm 2002, khi trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế được giao trách nhiệm quản lý, những nỗ lực trong suốt hơn 10 năm qua của đơn vị cùng sự hỗ trợ của các dự án bảo tồn nước ngoài từng bước làm sống lại vẻ đẹp còn ngủ yên của Cung An Định.
Bênh cạnh những hiện vật quý như bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt thời vua Khải Định 1916 -1925, bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt của Đức Từ Cung Hoàng Thái Hậu, trưng bày tại các không gian tiếp khách, phòng ngủ…trên 40 bức ảnh và gần 30 tư liệu, báo chí có liên quan giúp người xem có cái nhìn khái quát về cuộc đời của vị vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn. Trong đó có những tư liệu quý mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã kỳ công sưu tầm và mang từ Pháp về.