Chùa Tây Thiên được xây dựng từ năm Nhâm Dần, 1902 là một trong những ngôi chùa có vai trò trọng yếu trong công cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung. Chùa đã góp phần đánh thức nhiều thế hệ tăng ni, tín đồ Phật giáo Việt Nam, sau hơn một thế kỷ ngủ vùi trong suy vi, đình đốn, làm cho tất cả đều đứng dậy và vươn lên mạnh mẽ. Chùa được xây ở phía tây cuả Đàn Nam Giao, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.
Ban đầu ở đây chỉ là một thảo am nằm trong rừng thông gọi là Thiếu Lâm Trượng Thất đến năm 1904 chùa được đổi tên là Thiếu Lâm tự. Năm Tân Hợi 1911, vua Khải Định góp phần trùng kiến và cúng một tượng phật A Di Đà, chùa đã được đổi tên thành Tây Thiên Phật Cung Tăng Xá. Năm 1933, vua Bảo Đại ban sắc tứ "Tây Thiên Di Đà Tự".
Từ một Đạo tràng được Tổ khai sơn lập nên rất sớm để giáo dưỡng và chấn chỉnh Tăng đồ, đến sự ra đời đúng lúc của một Phật học viện qui mô rộng lớn, nhằm mục đích đào tạo Tăng tài trên khắp 17 tỉnh miền Trung.
Lúc đầu đây là một trường sơ cấp Phật giáo được tổ chức và khai giảng đầu tiên tại Huế, nhằm giúp đỡ cho đông đảo con em thất học tại các địa phương lân cận. Dần về sau ở đây được mở một trạm xá từ thiện, để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào Phật tử nghèo trong thời buổi chiến tranh loạn lạc… là những thành quả mà ngôi chùa mới Tây Thiên đã đạt được kể từ sau năm Canh Thân, 1920, khi các Đạo tràng đầu tiên được chư Tổ lập ra tại Huế.
Cao quý hơn nữa, chùa Tây Thiên còn là nơi xuất hiện chín bậc Cao tăng kỳ vĩ, mà công nghiệp lớn lao của quý Ngài, dù phải trải qua nhiều giai đoạn cam go và đầy biến động nhất của lịch sử dân tộc, nhưng quý Ngài cũng đã làm cho nền Phật giáo Việt Nam đạt đến đỉnh cao của thời hưng thịnh.