Chợ nón Dạ Lê thuộc xã Thuỷ Văn, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Ở đây dù trời chưa tỏ mặt người nhưng chợ đã đông, vòng trong vòng ngoài, toàn nón với nón, thoang thoảng mùi lá tươi ngai ngái, hoà quyện với mùi dầu bóng nồng nàn, đấy là mùi chợ nón vương vấn bên những người mẹ, người chị tảo tần.
Chợ nón Dạ Lê xuất hiện đã hơn trăm năm trước, quanh vùng này là các làng quê vừa làm nghề nông vừa thạo nghề chằm nón như Phú Mỹ, Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Thuỷ An, Thuỷ Thanh.. Chợ nón họp bên con sông Như Ý, có chiếc cầu ván nối liền đôi bờ, đi bộ hay chèo ghe đều thuận tiện.
Nhiều năm trước, người dân muốn mua vật dụng hay bán nón, đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng mất hai giờ cả đi lẫn về. Muốn nhàn hạ thì ngồi xe lam, thuyền máy, nhưng sẽ hụt mất tiền công. Thế nên chợ nón Dạ Lê ra đời tự phát, rồi ngày càng đông đảo, phồn thịnh.Chợ nón trước kia ở bên tả ngạn sông Như Ý thuộc xã Phú Mỹ. Dần dần, do đường sá trải nhựa thuận tiện cho năm sáu xã chuyên nghề chằm nón lân cận thành phố, chợ đã dời sang bờ bên kia thuộc xã Thuỷ Vân.
Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón nhiều, họ thuê xe lam chở. Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Đã quen biết, họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng nón.
Chợ Dạ Lê ở Huế là chợ duy nhất tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống. Từ nơi đây, chiếc nón Huế đi khắp nơi mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài. Chợ nón cũng thật đặc biệt, số đông là nữ giới họp chợ, họ ăn mặc và nói năng thanh lịch, chất phác, thuần hậu.