Chợ Đông Ba là chợ lớn nhất ở Huế, được xây năm 1899 dưới thời vua Thành Thái ở bên bờ sông Hương, về phía tây nam của kinh thành. Mặt tiền chợ nằm trên đường Trần Hưng Đạo, trước đây gọi là phố Trường Tiền, phố chính của Huế.
Thoạt đầu, nó toạ lạc gần cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) và có tên là Quy Giả thị, hình thành hồi đầu thế kỷ 19, dưới thời vua Gia Long. Tên cái chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Thời Quang Toản loạn lạc, nhân dân chạy tứ tán, đến đầu triều Nguyễn thái bình, nhân dân trở lại từ khắp nơi. Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về.
Gần một thế kỷ sau, mùa hè năm 1885, Kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Ðến năm 1887 vua Ðồng Khánh cho xây lại chợ và đổi tên là Ðông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho đem chợ ra đến địa điểm sát với bờ sông, gọi là "giại".
"Giại" là khu đất năm ở ngã ba sông Hương và sông Đào (Hàng Bè). Trước khi Tây đô hộ, chỗ ấy là “Giại” lính của Triều Đình, sau nầy bỏ hoang. Đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba. Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói. Giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng. Tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa. Tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc, đến giờ thì gõ chuông nên gọi là lầu chuông.
Ðầu thế kỷ 20, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chợ cũ bị triệt hạ để xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì năm 1968 lại bị tan hoang do chiến tranh một lần nữa, sau đó chỉ được sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ...
Những người con của Huế rất tự hào vì có một ngôi chợ có một bề dày lịch sử, một thương hiệu riêng có của quê hương, Chợ Đông Ba đã đi vào thơ ca, nhạc họa, là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch đến với Huế. 112 năm, hơn một thế kỷ đi qua, chợ đã tồn tại cùng những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc.
Những nắm cơm, những tấm áo nghĩa tình của các chị, các mẹ đã sẻ chia cho các anh bộ đội, các phong trào thi đua hành động cách mạng trong thời kỳ chiến tranh cũng như các phong trào người kinh doanh mới, người tiểu thương thanh lịch, phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng nhà tình thương và nhiều phong trào hoạt động xã hội từ thiện khác do BQL phát động luôn được chị em tiểu thương đồng tình hưởng ứng rất tích cực.