Chất xưa dân dã, mộc mạc của cầu ngói Thanh Toàn được tái hiện với vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng mà yên ả tại mảnh đất Huế thơ mộng trước mắt khách du lịch gần xa. Đến đây, du khách không khỏi bàng hoàng trước cây cầu ngói giống y hệt Chùa Cầu nổi tiếng ở Hội An.
Huế dường như là vùng đất của thơ văn, không một địa danh nào của Huế lại không gắn liền với thi ca, âm nhạc, với những câu ca dao, những bài hát dân ca và những câu hò trữ tình khiến người nghe nao núng không nguôi. Đó là một trong những câu hò trữ tình nổi tiếng xưa nay của Huế, nhắc đến một công trình kiến trúc dân gian cổ là Cầu Ngói Thanh Toàn. Chiếc cầu đặc biệt này đã được bảo tồn đến ngày nay và được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1990. Câu thơ ấy như sau:
"Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui."
Cầu ngói Thanh Toàn bên cây đa nhiều năm tuổi
Cầu ngói Thanh Toàn là cây cầu bắc qua một con sông nhỏ, đoạn cuối của con sông Như Ý, chảy suốt từ đầu làng đến cuối làng Thanh Thủy, thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km đường bộ về phía Ðông. Nguyên xưa kia làng Thanh Thuỷ mang tên Thanh Toàn nhưng đến thời Thiệu Trị (1841-1847), Toàn là tên húy của vua, triều đình bắt dân làng phải đổi tên Thanh Toàn ra Thanh Thủy.
Dáng vẻ cầu ngói Thanh Toàn trong dịp lễ hội
Tương truyền cây cầu do một người cháu gái 6 đời của một trong 12 vị tộc trưởng sáng lập ra làng ấy, là Trần Thị Ðạo. Bà kết hôn với một vị quan thuộc vào hàng đầu triều dưới thời vua Lê Hiển Tông (1740-1786) nhưng không có con. Để cầu tự, Bà đã làm phước, bỏ tiền xây dựng chiếc cầu gỗ ấy cho dân làng hai bên qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang, cũng để cho lữ khách cùng những người tha phương cầu thực tạm dừng chân khi lỡ bước, cho dân làng đến ngồi nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè, hay vào những đêm trăng thanh gió mát.
Hương tự bên trong cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m và chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian. Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu). Đây là loại cầu hiếm hoi và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu Việt Nam. Vào nửa đầu thế kỷ XX, ở ngoài Bắc có hai chiếc cầu nổi tiếng thuộc loại này là cầu Phúc Toại và cầu Phù Khê, còn ở miền Trung thì chỉ có cầu ngói Thanh Toàn ở Huế và Chùa Cầu ở Hội An mà thôi, nhưng mái ngói cầu ngoài Bắc thì lợp ngói liệt, còn mái cầu ở miền Trung đều lợp bằng ngói ống.