Bình An Đường

Bình An Đường - nơi khám bệnh cho thái giám và cung nữ triều Nguyễn. Dựa theo “Lịch triều hiến chương loại chí”, được biết Bình An Đường được xây dựng vào năm 1823, theo ý chỉ của vua Minh Mạng. Vị vua này vì có nhiều vợ và rất đông con do vậy đòi hỏi phải có thái giám, cung nữ đông đảo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. 

Để chữa trị cho hàng ngàn thái giám, cung tần và mỹ nữ ấy mỗi khi ốm đau, bệnh tật… Vua Minh Mạng đã cho xây riêng một khu an dưỡng, khám, điều trị bệnh, đặt dưới sự trông coi của Thái Y Viện.

Bình An Đường\
Cửa chính Bình An Đường

Theo lịch sử nhà Nguyễn, Bình An Đường chỉ là một di tích có giá trị kiến trúc khiêm nhường, nếu so sánh với các cung điện, lăng tẩm nguy nga. Tuy nhiên, nó vẫn có một giá trị nhất định đối với các nhà nghiên cứu y học cổ truyền thời Nguyễn.

Để tiện cho việc đi lại điều trị, an dưỡng của những người phục dịch trong cung đình, nên Bình An Đường được xây dựng sát bên cửa hậu Hoàng Thành (hiện nay là đường Đặng Thái Thân, TP.Huế). Bình An Đường chia thành hai phần: nhà khám, bốc thuốc, châm cứu... Và nhà an dưỡng dành cho những bệnh nhân già, yếu không thể đi lại được. Phía Bắc của Bình An Đường có riêng một tòa Cung Giám Viện - nơi ngày xưa các thái giám ăn ở, chờ đợi được khám, chữa bệnh (theo phong tục vẫn phải tách rời các thái giám với cung tần).

Nội thất Bình An Đường
Nội thất Bình An Đường

Trong khuôn viên Bình An Đường chỉ trồng các loài hoa và cây thuốc nam để tiện sử dụng cho việc chữa bệnh. Các thầy thuốc đến làm việc tại Bình An Đường do Thái Y Viện phân công. Đa phần họ đều là các thầy thuốc giỏi, đức độ. Tất cả thuốc men điều trị đều lấy trong kho thuốc hoàng cung, bệnh nhân không phải trả tiền.

Giờ đây, Bình An Đường được nằm trong danh sách những điểm du lịch kỳ thú của cố đô Huế, du khách có thể đến thăm Bình An Đường sau khi đã tu bổ. Từ ngoài nhìn vào, Bình An Đường giống như một nhà vườn Huế nho nhỏ. Nằm ở một khu đất mặt tiền trên địa phận phường Thuận Thành - thành phố Huế (góc đường Đoàn Thị Điểm - Đặng Thái Thân). Hai ngôi nhà chính được kiến trúc theo kiểu cận hiện đại, đôi phần chịu ảnh hưởng từ kiến trúc nhà Pháp, nhưng vẫn trung thành với lối kiến trúc “phương đình” truyền thống. 

Bình An Đường Huế
Những bức ảnh xưa còn giữ lại trên tường Bình An Đường

Hệ thống mái nhà thấp, lợp bằng thứ ngói liệt bình dân. Rường cột, cửa lớn, cửa sổ… bằng gỗ, nay đã lên nước đen bóng. Đế, chân cột táng bằng những hộc đá Thanh rất vững chãi. Vào trong nhà sẽ thấy thoàng mát vì có nhiều cửa. Những cửa sổ vuông vức đều có chấn song gỗ, cánh cửa ghép bằng nhiều thanh gỗ bào mỏng xếp nằm nghiêng, cho thoáng khí (tiếng Huế gọi là cửa “lá sách”). Riêng hệ thống cửa lớn nhìn về hướng Đại nội là những tấm cửa “bàn khoa”, có thể tháo ráp dễ dàng, và thông thoáng. Ngoài ra, các bức tường đều xây bằng gạch rất dày, do đó mùa hè thoáng mát, mùa đông thì ấm áp.

Trên tường, bài trí với các bức tranh ảnh cung nữ, thái giám triều Nguyễn. Đáng chú ý là 6 bức tranh sơn mài miêu tả phương pháp y học cổ truyền, phỏng theo tư liệu trong sách “Kỹ thuật của người An Nam”. Trên tranh khắc những hàng chữ nôm bé li ti nêu cách chữa các bệnh cơ bản lưu truyền trong dân gian như: Đánh gió, đốt lá sơn, xông nước lá…và có cả một đạo bùa “trừ tà trị bệnh, trấn trạch bình an”. Tất cả mờ mờ ảo ảo, dưới ánh đèn lồng lung linh với giấy chụp đèn in chìm họa tiết trên cửu đỉnh Huế. 

Sau hàng chục năm bị lãng quên, bây giờ Bình An Đường là một di tích lịch sử thú vị được mở cửa hàng ngày. Đến đây, khách có thể uống trà, cà phê trong một không gian thơm lừng hương hoa và cây thuốc nam.

Địa điểm khác trong vùng

Làng nón bài thơ Tây Hồ

Làng Tây Hồ là nơi sản sinh ra chiếc nón bài thơ - một vật dụng được xem là mang cả vẻ đẹp của tâm...

Làng Thái Dương Hạ

Thai Dương Hạ trực thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà, riêng thôn Thai Dương trở thành xã Thuận An và gần đây sáp nhập...

Phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu

Khu phố được xây dựng bằng hình thức xã hội hóa với sự tham gia của bốn doanh nghiệp địa phương và 24 hộ kinh...

Bình An Đường nằm trong

Cố đô Huế

127 địa điểm ở đây

Năm 1802, sau khi đánh bại quân Tây Sơn khôi phục lại cơ nghiệp của dòng tộc, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy hiệu là...