Từ khi Bình Định Vương ra Đông Đô, những kẻ hào kiệt ở các nơi đều nô nức về theo, xin hết sức đi đánh giặc. Vương dùng lời úy dụ và lấy cái nghĩa lui tới mà giảng giải cho mọi người nghe, rồi cứ tùy tài mà thu dùng.
Vương chia đất Đông Đô ra làm bốn đạo, đặt quan văn võ để coi việc chính trị.
Cứ theo sách "Lịch Triều Hiến Chương Địa Dư Chí" của ông Phan Huy Chú thì những trấn Tam Giang, Tuyên Quan, Hưng Hóa, Gia Hưng thuộc về Tây Đạo; những trấn Thượng Hồng, Hạ Hồng, Thượng Sách, Hạ Sách cùng với lộ An Bang thuộc về Đông Đạo; những trấn Bắc Giang, Thái Nguyên thuộc về Bắc Đạo; những lộ Khoái Châu, Lý Nhân, Tân Hưng, Kiến Xương, Thiên Trường thuộc về Nam Đạo.
Vương Thông ở Đông Quan cứ bị thua mãi, liệu thế đánh không được nữa, muốn bãi binh về Tàu, nhưng sợ mang tiếng, bèn lục tờ chiếu của vua nhà Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc (1407), nói về việc tìm con cháu họ Trần, rồi cho người ra nói với Bình Định Vương tìm người dòng dõi họ Trần lập lên, để xin bãi binh.
Vương nghĩ đánh nhau mãi, trong nước tàn hại, dân tình khổ sở, bèn y theo lời Vương Thông. Nhân lúc bấy giờ có người tên là Hồ Ông trốn ở Ngọc Ma, xưng là cháu ba đời vua Nghệ Tông, vương bèn cho người đi đón Hồ Ông về đổi tên là Trần Cao, lập nên làm vua, mà Vương thì xưng làm Vệ Quốc Công để cầu phong với nhà Minh, cho chóng xong việc.
Vương Thông cho người đưa thư ra xin hòa, và xin cho đem toàn quân về nước. Bình Định Vương thuận cho, định ngày để Vương Thông gọi quân ở các nơi về hội tại Đông Đô, rồi về Tàu. Việc đã định như thế, nhưng mà bấy giờ có mấy người An Nam theo nhà Minh, như những tên Trần Phong, Lương Nhữ Hốt, sợ rằng quân Minh về thì mình phải giết, bèn lấy chuyện Ô Mã Nhi ngày trước can Vương Thông đừng rút quân về. Vương Thông nghe lời, bề ngoài tuy nói hòa, nhưng bề trong sai người đào hào, rắc chông, rồi cho người đi lẻn đem thư về Tàu cầu cứu.
Bình Định Vương bắt được người đưa thư, giận lắm, không giao thông với quân Minh nữa, rồi sai Lê Quốc Hưng đánh thành Điêu Diêu (huyện Gia Lâm, Bắc Ninh) và thành Thị Kiều (tức là Thị Cầu thuộc huyện Võ Giang, Bắc Ninh); Trịnh Khả và Lê Khuyển đánh thành Tam Giang (tức là Tam Đái, nay là huyện Bạch Hạc); Lê Sát và Lê Thụ đánh thành Xương Giang ( tức là Phủ Lạng Thương bây giờ); Trần Lựu, Lê Bôi đánh thành Kỳ Ôn. Chẳng bao lâu những thành ấy đều lấy được cả.