Bọn Trịnh duy Sản giết vua Tương dực rồi, hội triều đình lại định lập con Mục ý vương là Quang Trị, mới có 8 tuổi, nhưng Võ tá hầu là Phùng Mại bàn nên lập cháu ba đời vua Thánh tông là con Cẩm giang vương tên là Y, đã 14 tuổi. Đảng Trịnh duy Sản bắt Phùng Mại chém ngay ở chỗ nghị sự, rồi lập Quang Trị. Quang Trị mới làm vua được ba ngày, chưa kịp đổi niên hiệu thì bị Trịnh duy Đại là anh Trịnh duy Sản đem vào Tây kinh. Quang Trị vào đấy được mấy ngày lại bị giết.
Lúc trong triều còn đang rối loạn, chưa biết ai là vua thì Nguyễn hoằng Dụ ở bến Bồ đề được tin Trịnh duy Sản đã giết vua Tương dực, bèn đem quân về đốt phá Kinh thành và bắt Vũ như Tô, là người đốc việc làm đền đài cho vua Tương dực, đem chém ở ngoài thành.
Bọn Trịnh duy Sản lại lập con Cẩm giang vương là Y lên làm vua, tức là vua Chiêu tông.
Nhưng bây giờ Kinh thành đã bị tàn phá rồi, Trịnh duy Sản phải rước vua vào Tây kinh.
Giặc Trần Cao thấy Triều đình đã bỏ kinh đô, bèn đem quân sang chiếm lấy, rồi tiếm hiệu làm vua.
Triều đình vào đến Tây kinh, truyền hịch đi các nơi lấy binh ra đánh Trần Cao.
Trịnh duy Sản, Nguyễn hoằng Dụ, Trịnh Tuy, Trần Chân và các quan cựu thần phân binh ra vây Đông kinh. Trần Cao phải bỏ thành chạy lên đất Lạng nguyên (có lẽ là Lạng sơn).
Triều đình lại về Đông kinh, rồi sai Trịnh duy Sản lên Lạng nguyên đuổi đánh Trần Cao. Trịnh duy Sản khinh địch quá, bị giặc giết mất. Quan giặc lại về đóng ở Bồ đề. Vua sai Thiết sơn bá là Trần Chân đem quân đánh tập hậu, phá được quân của giặc.
Trần Cao lại chạy về Lạng nguyên, và thấy sự nghiệp không thành, bèn nhường quyền lại cho con là Thăng rồi cắt tóc đi tu để trốn cho khỏi nạn.
Tuy giặc Trần Cao đã phá được, nhưng mà lúc bấy giờ vua Chiêu tông hãy còn trẻ tuổi, chưa quyết đoán được, mà Triều thần thì không có ai là người có chí giúp nước, đến nỗi ngoài thì giặc làm loạn, trong thì các quan sinh ra hiềm thù, đem quân đánh lẫn nhau, như là Nguyễn hoằng Dụ và Trịnh Tuy, hai người đi đánh giặc về rồi mỗi người đóng quân một nơi để chống cự với nhau, vua can ngăn cũng không được.
ở trong triều thì bọn Trịnh duy Đại mưu sự làm phản, bị người tố cáo ra, phải giết cả đảng.
Bọn Nguyễn hoằng Dụ và Trịnh Tuy cứ đánh nhau mãi, sau Trần Chân bênh Trịnh Tuy đem quân đánh Nguyễn hoằng Dụ. Nguyễn hoằng Dụ bỏ chạy về giữ Thanh hóa.
Vua sai bọn Mạc đăng Dung đi đánh Nguyễn hoằng Dụ. Nhưng Đăng Dung tiếp được thư của Hoằng Dụ viết riêng cho mình, bèn không đánh, đem quân trở về.
Bấy giờ quyền bính về cả Trần Chân và lại có người nói rằng Trần Chân có ý làm phản, vua bèn cho người vời Trần Chân vào thành rồi đóng cửa thành lại, bắt giết đi.
Bộ tướng của Trần Chân là bọn Hoàng duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng nghe tin Trần Chân phải giết, bèn đem quân vào đánh phá kinh thành. Vua phải chạy sang lánh mình ở đất Gia lâm, rồi cho người vào Thanh hóa vời Nguyễn hoằng Dụ ra đánh giặc. Nguyễn hoằng Dụ không ra.
Chiêu tông không biết mong cậy vào ai được, phải cho người sang Hải dương vời Mạc Đăng Dung về giúp. Mối thoán đoạt gây nên từ đó.
Nguyên Mạc đăng Dung là cháu 7 đời ông Mạc đĩnh Chi, ngày trước vốn ở làng Đông cao, huyện Bình hà (thuộc Hải dương), sau dời sang ở làng Cổ chai (thuộc huyện Nghi dương, tỉnh Kiến an bây giờ). Mạc đăng Dung thủa trẻ nhà nghèo, làm nghề đánh cá, nhưng có sức mạnh, thi đỗ Đô lực sĩ, làm đến Đô chỉ huy sứ về triều vua Uy mục; đến triều vua Tương dực được phong là Vũ xuyên hầu.
Nay vua Chiêu tông gọi sang, nhất thiết trao cả binh quyền để đánh giặc Hoàng duy Nhạc.
Mạc đăng Dung đem vua về ở Bồ đề rồi cho người mật dụ bọn Nguyễn Kính, Nguyễn Áng về hàng. Bọn ấy nói rằng Trần Chân bị giết là tại Chử Khải, Trịnh Hựu, Ngô Bính gièm pha. Nếu nhà vua làm tội ba người ấy thì xin về hàng.
Vua bắt ba người đem giết đi, nhưng bọn tên Kính tên Áng vẫn không giải binh. Mạc đăng Dung lại dời vua về Bảo châu (thuộc huyện Từ liêm). Thế giặc vẫn mạnh, rồi lại có Trịnh Tuy và Nguyễn Sư làm phản, thông với bọn tên Kính lập Lê Do lên làm vua, đóng hành điện ở Từ liêm.
Vua lại phải cho người vào gọi Nguyễn hoằng Dụ lần nữa. Nguyễn hoằng Dụ đem binh Thanh hóa ra để cùng với Mạc đăng Dung đi đánh giặc. Nhưng Hoằng Dụ xuất binh đánh trước, bại trận, phải rút quân về Thanh.
Được ít lâu Mạc đăng Dung trừ được bọn Lê Do, Trịnh Tuy và Nguyễn Sư, rồi lại hàng được bọn Hoàng duy Nhạc, Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đem về làm vây cánh của mình. Từ đó quyền bính về cả Đăng Dung.
Mạc đăng Dung bây giờ quyền thế hống hách, ra vào cung cấm tiếm dụng nghi vệ thiên tử. Các quan ai có vì nhà vua mà can gián điều gì, thì Đăng Dung tìm cách giết đi. Các quan triều thần có nhiều người thấy quyền lớn về cả họ Mạc, cũng bỏ vua mà theo phò Mạc đăng Dung.
Vua Chiêu tông thấy vậy, mới mưu ngầm với bọn nội thần là Phạm Hiến và Phạm Thứ để đánh Mạc đăng Dung, lại cho người vào Tây kinh vời Trịnh Tuy đem binh ra làm ngoại ứng. Đêm đến canh hai vua chạy lên Sơn tây để thu xếp binh mã đánh họ Mạc.
Sáng hôm sau Mạc đăng Dung mới biết vua xuất ngoại, liền sai Hoàng duy Nhạc đem quân đuổi theo, đến Thạch thất, Duy Nhạc bị quân sở tại bắt được giết đi.
Mạc đăng Dung cùng với các quan ở trong triều lập Hoàng đệ là Xuân lên làm vua, tức là Cung hoàng, đổi niên hiệu là Thống nguyên. Nhưng ở kinh thành sợ vua Chiêu tông viện quân về đánh, cho nên Mạc đăng Dung rước Hoàng đệ Xuân về ở đất Gia phúc, nay là Gia lộc thuộc tỉnh Hải dương.
Khi vua Chiêu tông chạy lên Sơn tây, những người hào kiệt ở các nơi theo về cũng nhiều, nhưng vì vua nghe lời những kẻ hoạn quan là bọn Phạm Điền, không theo lời bàn của các tướng, cho nên lòng người ly tán, mọi việc hỏng cả. Vua cho người vào Thanh hóa vời Trịnh Tuy ba bốn lần, Trịnh Tuy do dự mãi không ra. Sau Trịnh Tuy cùng với Trịnh duy Tuấn đem hơn một vạn quân ra giúp, thì vua lại nghe lời bọn Phạm Điền bắt Nguyễn bá Kỷ là thuộc tướng của Trịnh Tuy đem giết đi. Trịnh Tuy tức giận đem quân bắt vua Chiêu tông về Thanh hóa.
Năm giáp thân (1524) Mạc đăng Dung đem quân vào đánh Thanh hóa, Trịnh Tuy thua trận rồi chết, vua Chiêu tông bị bắt đem về để ở Đông hà (thuộc huyện Thọ xương), rồi cho người đến giết đi.
Cách hai năm sau là năm đinh hợi (1527), Mạc đăng Dung bắt các quan nhà Lê thảo bài chiếu truyền ngôi cho nhà Mạc.
Cung hoàng và bà Hoàng thái hậu đều bị giết cả. Bấy giờ triều thần có Vũ Duệ, Ngô Hoán, quan Đô ngự sử là Nguyễn văn Vận, quan Hàn lâm hiệu lý là Nguyễn thái Bạt, quan Lễ bộ thượng thư là Lê tuấn Mậu, quan Lại bộ thượng thư là Đàm thận Huy, quan Tham chính sứ là Nguyễn duy Tường, quan Quan sát sứ là Nguyễn tự Cường, tước Bình hồ bá là Nghiêm bá Ký, quan Đô ngự sử là Lại kim Bảng, quan Hộ bộ thượng thư là Nguyễn thiệu Tri, quan Phó Đô ngự sử là Nguyễn hữu Nghiêm, quan Lễ bộ tả Thị Lang là Lê vô Cương đều là người khoa giáp cả, người thì nhổ vào mặt Mạc đăng Dung hay là lấy nghiên mực đập vào mặt, hay chửi mắng, bị Đăng Dung giết đi. Có người thì theo vua không kịp, nhảy xuống sông mà chết, người thì quay đầu về Lam sơn lạy rồi tự tử. Những người ấy đều là người có nghĩa khí để tiếng thơm về sau.
Nhà Lê, kể từ vua Thái tổ cho đến vua Cung hoàng vừa một trăm năm (1428 1527), được 10 ông vua. Nhưng trong bấy nhiêu ông, trừ vua Thái tổ ra, thì chỉ có vua Thánh tông và vua Hiến tông là đã lớn tuổi mới lên ngôi, còn thì ông nào lên làm vua cũng còn trẻ tuổi cả. Vì thế cho nên việc triều chính mỗi ngày một suy kém, lại có những ông vua hoang dâm, làm lắm điều tàn bạo để đến nổi trong nước xảy ra nhiều sự biến loạn.
Vậy vận nhà Lê phải lúc trung suy, nhưng công đức vua Thái tổ và vua Thánh tông làm cho lòng người không quên nhà Lê, cho nên dầu nhà Mạc có cướp ngôi cũng không được lâu bền, và về sau họ Trịnh tuy có chuyên quyền nhưng cũng chỉ giữ ngôi chúa, chứ không dám cướp ngôi vua.