Chúa Nguyễn mở khoa thi năm 1674

Năm đinh hợi (1674) chúa Nguyễn mở khoa thi gọi là thi chính đồ và thi hoa văn.

Thi chính đồ chia ra làm ba kỳ: kỳ đệ nhất thi tứ lục, kỳ đệ nhị thi thơ phú, kỳ đệ tam thi văn sách. Quan tri phủ tri huyện làm sơ khảo, quan cai bạ, ký lục, vệ úy làm giám khảo. Những quyển đậu, thì chia ra làm ba hạng: hạng thứ nhất gọi là giám sinh, được bổ ra làm tri phủ, tri huyện; hạng thứ nhì gọi là sinh đồ được bổ làm huấn đạo; hạng thứ ba cũng gọi là sinh đồ được bổ làm lễ sinh, hoặc làm nhiêu học.

Thi hoa văn thì cũng phải ba ngày, mỗi ngày chỉ phải làm có một bài thơ mà thôi. Ai đậu thì được bổ vào làm việc ở Tam ti.

Năm ất hợi (1695) Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) mở khoa thi ở trong phủ chúa, gọi là thi Văn chức và thi Tam ti. Thi Tam ti là thi Xá sai ti, thi Tướng thần lại ti và thi Lệnh sử ti. Thi Văn chức thì thi tứ  lục, thơ phú, văn sách; thi Xá sai ti thì hỏi về việc binh lính, tiền lương, từ tụng; thi Tướng thần lại ti và Lệnh sử ti thì chỉ làm một bài thơ mà thôi.

Năm canh thân (1740), Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) định lại phép thi: những người đậu kỳ đệ nhất gọi là nhiêu học, được miễn sai 5 năm; đậu kỳ đệ nhị và kỳ đệ tam thì được miễn sai chung thân; đậu kỳ đệ tứ gọi là hương cống, được bổ đi làm tri phủ, tri huyện. 
Xem như vậy thì sự thi cử ở miền Nam đời bấy giờ còn sơ lược lắm. 

Họ Nguyễn bấy giờ phải chống nhau với họ Trịnh cho nên phải lo việc võ bị hơn. Quân thì chia ra làm năm cơ gọi là: trung cơ, tả cơ, hữu cơ, tiền cơ, hậu cơ. Số quân độ chừng non ba vạn người.

Năm tân mùi (1631) chúa Sãi lập ra sở đúc súng đại bác và mở trường bắn, trường tập voi, tập ngựa, cứ hằng năm luyện tập để phòng bị chiến tranh.