Tháp Dương Long thuộc xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định được biết không chỉ ở chiều cao đồ sộ mà còn ở phong cách kiến trúc độc đáo. Đây là một trong những tháp Chăm đẹp và có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Tháp Dương Long công trình kiến trúc độc đáo mang đậm văn hoá Chămpa
Tháp có nhiều tên gọi khác nhau, ngoài tên phổ biến Dương Long, đôi khi bạn sẽ nghe những cái tên khác mà tất cả ấy đều nhắc đến tháp là: tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường. Người Pháp gọi di tích này là Tour d’ Ivoire (tháp Ngà). Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba tòa cổ tháp này được xây cất trên một tòa cao có tên là Dương Long, nằm ở phía Nam núi Trà Sơn.
Đồng bào Chăm hành hương về đất cố đô An Nhơn - Bình Định
Dương Long là cả một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, đóng thẳng hàng theo trục Bắc Nam, các cửa chính đều quay về hướng Đông.Tháp giữa cao 24 mét, hai tháp bên cao 22 mét. Phần thân của các tháp xây bằng gạch, các góc được ghép bởi những tảng đá lớn chạm trổ công phu. Tính quy mô của tháp Dương Long được thể hiện không chỉ ở chiều cao của nó (cao nhất trong các tháp Chăm còn lại ở Việt Nam) mà còn ở lối kiến trúc độc đáo, đặc biệt là các hoa văn, hoạ tiết được khắc tạc trực tiếp trên những tảng đá đồ sộ đặt ngay trên đỉnh tháp.
Mỗi ngọn tháp Dương Long được ốp những phiến đá trạm trổ cầu kỳ, toát lên vẻ đẹp tráng lệ
Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng vừa lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kì bí, tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp gạch còn lại đẹp, cao và lớn nhất Đông Nam Á, với đặc trưng độc đáo và uy nghi. Tháp được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.
Tháp Dương Long trong một lần trùng tu lại năm 2006
Dương Long là địa điểm hấp dẫn với tất cả những ai có dịp thăm quan các di tích Bình Định. Đến đây du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì vĩ và huyền ảo của những tòa tháp cổ mà còn có dịp ghé thăm di tích những trung tâm sản xuất gốm lớn trước đây của người Chăm. Đó là trung tâm gốm Gò Hời và Gò Cây Ké.
Nguồn: Sưu tầm