Núi Thiên Nhẫn thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An chạy dài đến địa phận huyện Hương Sơn, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một dãy núi trùng điệp như muôn ngàn con Chiến Mã đang phi nước đại về phương nam. Núi Thiên Nhẫn được xếp hạng di tích danh thắng cấp Quốc gia năm 1962.
Núi Thiên Nhẫn nhìn từ xa giống như vạn mã đầy khí phách
Núi Thiên Nhẫn có nghĩa là ngàn ngọn núi, gồm những ngọn núi đất có vô số đỉnh tròn, nối đuôi nhau. Hình núi khác thường, núi đất xen nhiều đá, phủ cỏ và sim mua, không có cây cối lớn, các quả núi trọc hình tròn nối nhau liên tiếp. Dãy núi Thiên Nhẫn có 3 đỉnh cao nhất hay gọi là Tam Thai trong đó gồm : Đỉnh Động Bút, đỉnh động Trọ Voi, đỉnh động Thiên Nhân. Trong 3 đỉnh đó, thì đỉnh động Trọ Voi được mệnh danh là gớm nhất với sự tô điểm của núi, đất, đá cùng cây cối xanh biếc quanh năm, chính nó đã làm tăng thêm kích thích cho những người ưa mạo hiểm.
Ngoài sự hiểm trở nó còn ẩn chứa vẻ đẹp huyền bí mơ hồ
Đỉnh núi Thiên Nhân có địa hình hiểm trở, phía Đông và Đông Nam là những vách đá dựng đứng hơn 20 m, với sự hiểm trở đó đã để bảo vệ cho vẻ đẹp huyền bí và mê hoặc nằm bên trong nó. Quanh những bờ đá có dòng nước nhỏ tạo thành 1 thác nước tuyệt đẹp, nhìn xa nó giống như 1 dải lụa trắng buông xuống giữa lưng trời.
Thành Lục Niên trên núi Thiên Nhẫn
Núi Thiên Nhẫn còn trông giống như 1 thành trường được bao quanh là dãy Đại Huệ và rú Đụn tạo nên lớp thành lũy tự nhiên chạy dòng theo dòng sông Lam xanh biếc. Trên núi Thiên Nhẫn hiện nay còn lưu lại những dẫu tích của thành Lục Niên, thành được xây dựng bằng đá núi theo lối ghép đá với độ cao 178 m, trước cửa thành với những phiến đá lớn, dựng đứng tạo địa thế hiểm trở, cùng 1 khe nước gọi là Hồ Thành.
Thành Lục Niên
Núi Thiên Nhẫn còn có nhiều địa danh đẹp nỗi tiếng như khe Tằm chảy từ ngọn Việt Sơn nước trong mát quanh năm. Trên núi có tòa thành cổ, đã đổ nát, gọi là thành Lục Niên. Bên thành có suối Lạp Lĩnh, núi đá xanh Bùi Phong, thác Gáo Nước Đổ. Nước suối và đá núi xanh biếc âm u, cây cối um tùm.
Nguồn: Sưu tầm