Hang Bua mà tiếng Thái gọi là thẳm Bua là một thắng cảnh đẹp thuộc bản Na Nhàng (Hồng Tiến), xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, miền Tây Nghệ An, trên dãy núi đá vôi “Phà Én”. Đến đây, du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn cảnh đẹp kỳ thú và tham dự Lễ hội Hang Bua.
Hang Bua sừng sững, đầy bí ẩn
Hang Bua có diện tích khá rộng và được kiến tạo rất kỳ lạ, những hình thù bằng đá khá sinh động như: ông già thổi sáo, bộ cồng chiêng, cây cổ thụ, bồ đựng lúa, giường công chúa, chậu nước, ruộng bậc thang, tượng phật, chim chóc… Ngoài ra, còn có nhiều dụng cụ sinh hoạt của đồng bào Thái như: cái liềm, lưỡi hái...
Hang Bua có diện tích khá rộng và được kiến tạo rất kỳ lạ
Ngay trước cửa hang lớn là một ao hoa sen rộng có đến hàng mẫu, vào mùa sen nở tỏa hương thơm khắp cả một vùng, ngay cả cửa hang cũng mang dáng một đài sen đang nở. Hang Bua là nơi giao hòa, gặp gỡ của đất trời, là vẻ đẹp kỳ vĩ mà tạo hóa ban tặng cho con người. Đến hang Bua, ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh sơn thủy hữu tình, núi sông, cỏ cây xanh ngát một màu.
Hang Bua - hang hiếm có ở Nghệ An
Nơi đây cũng là nơi gặp nhau của 3 con sông là sông Quàng, sông Việt và sông Hạt. Khí hậu nơi đây mát mẻ, cây cối tốt tươi muôn sắc, muôn loài muông thú tụ họp về đây. Vào sâu trong hang, ta sẽ được thấy sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa với những hình thù kỳ lạ. Trong hang còn có giếng tiên với nguồn nước mát lạnh, mùa hè khi trời nóng bức, uống một ngụm nước trong hang ta sẽ cảm thấy vô cùng khoan khoái, dễ chịu.
Điệu nhảy quen thuộc của đồng bào dân tộc nơi đây
Hằng năm cứ vào ngày 21, 22 và 23 tháng giêng âm lịch hang Bua tổ chức hoạt động văn hóa lễ hội sôi động, lễ hội quy tụ đông đảo bà con đồng bào dân tộc. Ngoài những hoạt động đặc sắc trong Lễ hội như: nhảy sạp, thổi khèn, bắn nỏ, ném còn...người ta còn tổ chức thi người đẹp, thi dệt thổ cẩm, luôn đem lại không khí tươi vui, sôi nổi cho ngày hội.
Cuộc thi người đẹp ở Hang Bua
Năm 1997, Hang Bua được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Nguồn: Sưu tầm