Điện Kiến Trung là một cung điện của nhà Nguyễn trong Tử Cấm thành Huế được vua Khải Định cho xây vào năm 1921 đến 1923 cùng thời gian với việc xây lăng để làm nơi sinh hoạt của vua trong hoàng cung.
Điện Kiến trung nằm ở điểm cực bắc của trục thần đạo xuyên qua trung tâm Tử Cấm thành. Kiểu thức điện là hợp thể phong cách Âu châu gồm kiến trúc Pháp, kiến trúc Phục hưng của Ý cùng pha thêm kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Mặt tiền điện có trang trí những mảnh gốm sứ nhiều màu.
Trước điện là vườn cảnh, có ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện. Tầng chính trổ 13 cửa hiên: gian giữa 5 cửa, hai gian bên mỗi gian 3 cửa, hai góc điện mỗi bên hai cửa nữa làm nhô ra hẳn. Tầng trên là gác, làm cùng một thể thức như tầng chính. Trên cùng là mái ngói có hàng lan can trang trí theo phong cách Việt Nam.
Sang triều vua kế vị là Bảo Đại thì triều đình cho tu sửa lại tòa điện, tân trang các tiện nghi theo thể cách Tây phương, trong đó có xây buồng tắm. Vua và hoàng hậu Nam Phương sau đó dọn về sống trong điện Kiến Trung.
Điện Kiến Trung sau đó đã bị phá huỷ năm 1946 trong chiến tranh, chỉ còn nền điện và hàng lan can trong khu vực Tử Cấm Thành.