Duyệt Thị Đường là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần và là nơi biểu diễn các vở tuồng dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Tuồng biểu diễn trong Duyệt Thị Đường là các vở tuồng cung đình. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam.
Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 tức năm 1826, nằm bên trong Tử Cấm Thành. Toàn bộ khuôn viên nhà hát trước đây được dùng để trồng các loại cây thuốc Nam quí hiếm. Bên hữu nhà hát là Ngự y viện, nơi để sao chế thuốc chữa bệnh cho nhà vua và hoàng gia. Bên tả là sở Thượng Thiện, nơi dùng để chế biến các món ăn phục vụ nhà Vua. Tất cả đều được ngăn với nhà hát bằng bức tường.
Nhà hát hình chữ nhật rộng rãi với bộ mái có những bờ quyết cong giống như những đình chùa ở Huế, được chống đỡ bởi hai hàng cột lim sơn son có chiều cao 12m, vẽ rồng ẩn mây cuốn chung quanh chia làm 2 tầng. Ở lưng chừng mỗi cột treo thêm một bức tranh sơn thuỷ vẽ cảnh Huế với khung chạm rồng nổi thiếp vàng. Trên cao hơn, mặt trời, mặt trăng, tinh tú tượng trưng cho vũ trụ được vẽ hoặc chạm nổi lên trần nhà màu xanh lơ. Tòa nhà nối liền với các cung điện của nhà vua và các bà hoàng bằng một dãy hành lang có mái khúc khuỷu, quanh co.
Sân khấu có ba mặt. Phần bức tường ở cuối sân khấu trổ hai cửa. Các diễn viên vào ở phía phải và ra ở phía trái. Phía sau bức tường là một phòng rộng đựng tủ kệ để chứa các bản tuồng, hia, mão và đạo cụ biểu diễn. Ở vị trí cao nhất trong phòng là một khám thờ hai ông làng tổ sư của nghề hát bội. Phòng này lại trổ cửa hướng ra sân ở mé đông Tử Cấm Thành (các nghệ nhân ra vào bằng lối này). Ðối xứng với bức tường qua sân khấu là một đài cao chia ra làm hai bậc. Bậc cao nhất nằm sát tường phía tây dành cho các bà hoàng và cung tần mỹ nữ. Bậc thấp đặt ngự tọa, nơi nhà vua ngồi xem hát. Hai bậc này được ngăn bởi một lớp sáo trúc thưa làm cho người ngồi bên trong nhìn rõ được người bên ngoài, nhưng người xem ở bên ngoài không thấy mặt người đẹp trong cung cấm. Hai bên chỗ tả và bên hữu của chỗ vua ngồi là dành cho quốc khách, các quan của triều đình ngồi hai bên.
Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch với thể lại nhã nhạc cung đình Huế khá thu hút du lịch.
Nhà hát đã sưu tầm và khôi phục 8 trong số 11 điệu múa cổ, 40 bài nhã nhạc và nhiều trích đoạn tuồng cổ, trong đó có nhiều tiết mục được dàn dựng công phu như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển, Phú lục địch, Kim tiền, Vũ phiến, Lục cúng hoa đăng và các trích đoạn tuồng Kỷ Lan Anh, Ôn Đình chém Tá, Lục cúng hoa đăng, Nữ tướng xuất quân, Lân mẫu xuất Lân nhi... các trích đoạn Tuồng Cung đình tiêu biểu trong vở Sơn Hậu, Tam Nữ Đồ Vương,..,.. Nhà hát cũng đã sáng tạo, dàn dựng hàng chục tác phẩm mới trên chất liệu cổ, phù hợp với thị hiếu người xem, trong đó có vở "Người khởi nghiệp đàng trong" được công chúng đánh giá cao.
Nguồn: Sưu tầm