Cần Chánh là ngôi điện dùng làm nơi thường triều của vua Nguyễn. Điện được xây dựng năm Gia Long thứ 3 tức 1804, sau còn được tu bổ nhiều lần. Đây vốn là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành.
Về tổng thể, Điện Cần Chánh được bố trí trên trục chính của Đại Nội - nằm giữa điện Thái Hoà và điện Càn Thành. Trước Điện Cần Chánh có "sân bái mạng", là nơi tập hợp văn võ bá quan khi chầu vua, dâng biểu. Điện cùng với nhà tả vu, hữu vu họp thành bố cục kiến trúc hình chữ môn.
Điện đặt trên một nền đài cao gần 1m, bó vỉa bằng gạch vồ và đá thanh. Diện tích mặt nền gần 1000m2. Chính điện 5 gian, 2 chái kép, tiền điện 7 gian, 2 chái đơn, hai bên đông tây có 4 hồi lang nối qua điện Văn Minh, Võ Hiển và qua Tả Vu, Hữu Vu. Toàn bộ bộ khung gỗ gồm 80 chiếc cột bằng gỗ lim. Phần lớn kết cấu bộ khung bên trên đều được chạm trổ trang trí rất tinh xảo, công phu.
Điện Cần Chánh là nơi vua tổ chức lễ thiết triều vào các ngày mùng 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Ngoài ra điện còn là nơi vua Nguyễn tiếp đón các sứ bộ quan trọng, nơi tổ chức các buổi tiệc tùng trong những dịp khánh hỷ.
Trong điện, ở gian giữa của nhà chính đặt ngự tọa, hai bên treo các bức tranh gương thể hiện cảnh đẹp Kinh đô và bản đồ các tỉnh trong nước lồng trong khung kính. Điện Cần Chánh còn là nơi trưng bày nhiều báu vật của triều Nguyễn như các đồ sứ quý hiếm của Trung Hoa, các hòm tượng ấn vàng, ấn ngọc của triều đại...
Cần Chánh, ngôi điện đẹp nhất trong Tử Cấm Thành, tồn tại qua 13 triều vua Nguyễn, bị đốt rụi năm 1947, ngày nay chỉ còn nền móng.