Ðối với người Tà Ôi, vải thổ cẩm (người ở đây gọi là zèng) được xem là sản phẩm văn hóa tiêu biểu. Có một thời, nghề truyền thống này bị xem là phương thức sản xuất lạc hậu, chỉ phục vụ cho nhu cầu may mặc của người dân địa phương, không được khuyến khích và chú ý bảo tồn.
Một bộ phận người dân A Lưới vẫn giữ phong tục sử dụng sản phẩm dệt zèng như áo, khố, khăn, tấm treo, gùi... nhưng chỉ phục vụ cho bản thân và gia đình.Từ ngày tuyến đường lên A Lưới được đầu tư mở rộng, thuận tiện cho giao lưu hàng hóa, người dân Tà Ôi tìm cách tiêu thụ sản phẩm từ nghề dệt zèng đưa ra các tỉnh lân cận.
Sở dĩ zèng của A Lưới được tiêu thụ mạnh là nhờ chất lượng tốt và mang tính sáng tạo rất cao. Thổ cẩm gắn các họa tiết gam mầu đỏ, trắng, vàng, đen, xanh lá cây. Ðể dệt được những chiếc zèng vừa dài, vừa đẹp, rực rỡ hoa văn, thổ cẩm đòi hỏi người dệt phải yêu nghề, cẩn thận, tỉ mỉ theo từng sợi vải, hạt cườm.
Nét độc đáo và riêng biệt của dệt zèng là người dệt sẽ đưa cườm trực tiếp vào sản phẩm để dệt thay vì đính kết lên. Ðây là cách tạo hoa văn duy nhất bằng cườm, không tạo hoa văn bằng chỉ màu như dệt thổ cẩm ở các nơi khác. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, tư vấn thiết kế zèng cho biết: "Chúng tôi cố gắng giữ lại màu sắc, hoa văn để các sản phẩm giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc. Các sản phẩm được dùng sợi làm bằng tre và nhuộm gần như thủ công để tạo mầu sắc đỏ chu, đen chàm ngày xưa và hoàn toàn không dùng màu công nghiệp".