Chùa Thập Tháp là một di tích kiến trúc nghệ thuật có từ thời Nguyễn, thuộc thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, do Thiền sư Nguyên Thiều sáng lập vào năm 1665. Chùa thuộc hệ pháp Bắc Tông.
Hồ sen trước cổng chùa Thập Tháp Di Đà
Tên chùa "Thập Tháp" nguyên do là vì trước đây chùa tọa lạc trên khu đồi này có 10 ngôi tháp Chăm, sau bị sụp đổ. Tên "Di Đà" là danh hiệu đức Phật giáo chủ cõi Cực lạc. Di Đà cũng có nghĩa là lý tánh, bản giác của chúng sinh. Tập hợp các ý nghĩa trên, tổ đình mang tên Thập Tháp Di Đà Tự.
Chùa Thập Tháp là ngôi cổ tự ngàn năm
Chùa được bao bọc bởi sông Côn phía sau lưng và sông Bàn Khê phía Bắc nên lúc nào cũng lồng lộng gió. Một bức bình phong có đắp nổi hình long mã phù đồ đặt trên một bệ chân quỳ đã nhuốm rêu phong tạo nên chút gì đó là lạ nơi phía cổng ngôi cổ tự này. Lối kiến trúc nơi đây được xây dựng theo kiểu chữ khẩu, gồm chánh điện, tây đường, đông đường và nhà phương trượng.
Hòn đá chém ở chùa Thập Pháp là 'hòn đá oán hờn' li kì
Chùa đã trải qua 16 đời truyền thừa với nhiều vị thiền sư danh tiếng như: Thiền sư Liễu Triệt, Thiền sư Minh Lý, Thiền sư Phước Huệ… Thiền sư Phước Huệ đã được tôn làm Quốc sư. Ngài đã được mời vào giảng kinh trong hoàng cung nhà Nguyễn từ đời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, và giảng dạy Phật pháp ở Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên (Huế) từ năm 1935.
Vườn tháp Tổ trong chùa Thập Tháp
Chùa là ngôi tổ đình danh tiếng vào bậc nhất ở miền Trung.Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia.Ngày nay, trải qua nhiều lần trùng tu, tái tạo, cái cũ và cái mới đan xen nhưng chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm cổ kính. Nay đây đã là một địa chỉ điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Nguồn: Sưu tầm