Chùa Cần Linh hay còn gọi là chùa Sư Nữ (vì các đời trụ trì đều là sư nữ) có quy mô lớn và đẹp nhất tỉnh Nghệ An và là trụ sở của Giáo hội phật giáo Việt Nam tại Nghệ An. Chùa Cần Linh là điểm đến của nhiều người khi hành hương về với cõi Phật. Chùa Cần Linh thuộc phường Cửa Nam thành phố Vinh, cách quốc lộ, cách đền Hồng Sơn 1km theo hướng Vinh - Hưng Nguyên - Nam Đàn. Chùa được xây dựng cuối thời Lê, cạnh sông Cồn Mộc, có hồ Cửa Nam bao quanh tô thêm vẻ hữu tình.
Chùa Cần Linh thuộc tỉnh Nghệ An
Theo truyền thuyết, Chùa Cần Linh là ngôi chùa có hàng ngàn năm tuổi, chùa được xây dựng vào thời tiền Lê (năm 886). Theo sử sách ghi lại: Cao Biền, một danh tướng đời Đường của Trung Quốc được cử sang Việt Nam làm Tiết Độ sứ, vốn là một nhà địa lí có tiếng, nên đi đến đâu cũng thường xuyên "ngắm nghía" thế đất, mạch nước để xây dựng đền đài, miếu mạo. Một phần là để nâng cao việc giáo dục "lễ nghĩa quân thần", phát triển tôn giáo, phục vụ cho mục tiêu thống trị theo đúng nghĩa của "đại quốc"; Song mặt khác cũng là để "yểm" các huyệt lộ linh thiêng trên đất Việt. Khi đến đất Hoan Diễn (là Nghệ An bây giờ), Cao Biền nhận thấy long mạch ẩn vào dãy núi Đại Huệ chạy dài về phía Đông, còn mảnh đất nay là chùa Cần Linh chính là phần đầu của con Rồng, biểu hiện tụ khí địa linh nhân kiệt của đất phương Nam (khi đó). Nghĩ rằng sẽ chinh phục được nước Nam và duy trì nền thống trị Bắc thuộc lâu dài, nên vào năm 866, Cao Biền đã cho làm một ngôi chùa ở đây để "cầu may". Vào thời điểm đó ở làng Vang (nay là phường Đông Vĩnh, TP Vinh) nam giới thường chỉ sống được không quá 40 tuổi, nên việc xây chùa còn là để nhờ phép nhà Phật giúp cho Cao Biền và những người đàn ông ở mảnh đất này kéo dài thêm tuổi thọ. Ban đầu Cao Biền đặt tên chùa là Linh Vân Tự (nghĩa là "chùa mây thiêng").
Hồ sen trước cổng chùa Cần Linh
Trước đây, đã từng có hai vị vua đến thăm chùa Cần Linh. Đó là vua Tự Đức và vua Bảo Đại của vương triều nhà Nguyễn. Khi đến cúng tế, cầu phúc an dân ở đây, vua Tự Đức đã hiến cho chùa hai bức vọng bằng chữ Hán với dòng chữ Triện đề "Vương triều Đức tự hiến cúng". Quá trình ở lại nơi này, vua Tự Đức thấy ngôi chùa linh thiêng với nhiều huyền tích bí ẩn, nên đã hiến tặng thêm một bức đại tự "Cần Linh". Thực ra, ý ông muốn nói là "Cầu Linh", nghĩa là ai muốn cầu cái gì, đến đây sẽ được toại nguyện vì nơi này rất linh thiêng. Tuy nhiên, lâu dần dân gian đọc chệch đi, hay có thể vì những lệ kiêng huý quá rườm rà của triều Nguyễn mà chữ “cầu linh” sau đó đã được đọc thành "Cần Linh" và nghiễm nhiên trở thành tên của chùa suốt bao nhiêu năm tháng sau này.
Cây bồ đề trong khuôn viên chùa Cần Linh
Trong chùa có gần 100 pho tượng, trong đó bức tượng Phật Thích Ca làm bằng gỗ mít, sơn son thiếp vàng đặt ở trung tâm thượng điện có giá trị nhất cả về nghệ thuật điêu khắc và niên đại ra đời. Đặc biệt bức tượng đã thể hiện được lòng từ bi, nhân ái của Đức Phật.
Quả chuông cổ có tuổi thọ trên 300 năm
Năm 2006, pho tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt đã hoàn thành kịp mừng ngày Đại lễ Phật đản 2550 năm Phật Lịch. Pho tượng được đặt trang trọng trên toà sen, cao 3m, rộng 2,5m được đúc bằng 8 tấn đồng đỏ nguyên chất.
Tượng Phật bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt trước cổng tam quan thuộc ngôi chùa
Chùa đã qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ lại được nét cổ kính vốn có. Chùa Cần Linh không chỉ là nơi thờ Phật, sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân quanh vùng, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách. Chùa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam chứng nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.