Tô hiến Thành theo di chiếu lập Long Cán lên làm vua - Lý Cao Tông năm 1176

Khi vua Anh tông mất, Thái tử Long Cán chưa đầy 3 tuổi, bà Chiêu linh Thái hậu muốn lập người con trưởng là con mình tên là Long Xưởng lên làm vua, đem vàng bạc đút lót cho vợ Tô hiến Thành, nhưng ông nhất thiết không chịu, bèn cứ theo di chiếu mà lập Long Cán, tức là vua Cao Tông. 

Tô hiến Thành giúp vua Cao tông trị nước, đến năm kỷ hợi(1179) thì mất. Sử chép rằng khi ông đau có quan Tham tri chính sự là Vũ tán Đường, ngày đêm hầu hạ. Đến khi bà Đỗ Thái Hậu34 ra thăm hỏi ngày sau ai thay được ông, ông tâu rằng: có quan Gián nghị đại phu Trần trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên nói rằng tại sao không cử Vũ tán Đường? Ông đáp: "Nếu bệ hạ hỏi người hầu hạ, thì xin cử người Tán Đường, hỏi người giúp nước thì tôi xin cử người Trung Tá". 

Tô hiến Thành không những là một người có tài thao lược, dẹp giặc yên dân mà thôi, cách thờ vua thật là trung thành cho nên người đời sau thường ví ông với Gia cát Lượng đời Tam quốc bên Tàu. 

Tô hiến Thành mất rồi, Triều đình không theo lời ông ấy dặn, cử Đỗ yên Di làm phụ chính và Lý kính Tu làm đế sư. Đình thần bấy giờ có người đứng đắn, cho nên bà Chiêu linh Thái hậu không dám mưu sự phế lập.

Đến khi Cao tông lớn lên cầm quyền trị nước, thì cứ đi săn bắn chơi bời, làm cung xây điện, bắc trăm họ phải phục dịch khổ sở. Ngoài biên thì quân mường thổ ở bên Tàu sang quấy nhiễu ở phía bắc, người Chiêm thành sang đánh ở phía nam; trong nước thì nổi lên như ong dấy. Vua tôi không ai lo nghĩ gì về chính trị, chỉ làm những việc nhũng lạm, mua quan bán chức, hà hiếp nhân dân, lấy tiền để làm những việc xa xỉ.