Thái tông chia nước Nam ra làm 12 lộ năm 1242

Cứ theo phép nhà Lý thì làng nào có bao nhiêu người đi làm quan văn, quan võ, thơ lại, quân lính, hoàng nam, lung lão, tàn tật, và những người đến ở ngụ cư, hay là những người xiêu lạc đến trong làng, thì xã quan phải khai vào cả quyển sổ gọi là trường tịch. Ai có quan tước mà có con được thừa ấm thì con lại được vào làm quan, còn những người giàu có, mà không có quan tước thì đời đời cứ phải đi lính. Thái tông lên làm vua phải theo phép ấy, cho nên đến năm mậu tí (1228) lại sai quan vào Thanh hóa làm lại trường tịch theo như lệ ngày trước. 

Năm nhâm dần (1242) Thái tông chia nước Nam ra làm 12 lộ. Mỗi lộ đặt quan cai trị là An phủ sứ, chánh phó 2 viên. Dưới An phủ sứ có quan Đại tư xã và Tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên thì làm Đại tư xã, lục phẩm trở xuống thì làm Tiểu tư xã, mỗi viên cai trị, hoặc hai xã, hoặc ba bốn xã. Mỗi xã lại có một viên xã quan là Chánh sử giám. Lộ nào cũng có quyển dân tịch riêng của lộ ấy.

Người trong nước phân ra từng hạng: con trai từ 18 tuổi thì vào hạng tiểu hoàng nam, từ 20 tuổi vào hạng đại hoàng nam. Còn từ 60 tuổi trở lên thì vào lão hạng. 

Thuế thân: Thuế thân thời bấy giờ tùy theo số ruộng mà đánh, ai có một hai mẫu ruộng thì phải đóng một năm một quan tiền thuế thân; ai co ba bốn mẫu, thì phải đóng hai quan; ai co năm mẫu trở lên, thì đóng ba quan. Ai không có mẫu nào, thì không phải đóng thuế. 
Thuế ruộng: Thuế ruộng thì đóng bằng thóc: cứ mỗi một mẫu thì chủ điền phải đóng 100 thăng thóc. 
Còn như ruộng công, thì có sách chép rằng đời nhà Trần có hai thứ ruộng công, mỗi thứ phân ra làm ba hạng. 
1. Một thứ gọi là ruộng quốc khố: hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 6 thạch 80 thăng thóc; hạng nhì mỗi mẫu 4 thạch; hạng 3 mỗi mẫu 3 thạch. 2. Một thứ gọi là thác điền 36 : hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế một thạch thót; hạng nhì ba mẫu lấy một thạch, hạng ba, bốn mẫu lấy một thạch. 

Còn ruộng ao của công dân thì mỗi mẫu lấy ba thăng thóc thuế. Ruộng muối phải đóng bằng tiền. 
Các thứ thuế: Có sách chép rằng nhà Trần đánh cả thuế trầu cau, thuế hương yên tức, và tôm, cá, rau, quả, gì cũng đánh thuế cả. 

Nước Nam ta ở mạn đường ngược thì lắm núi, mà ở trung châu thì nhiều sông ngòi, cho nên đến mùa lụt nước ngàn, nước lũ chảy về ngập mất cả đồng điền. Vì vậy năm mậu thân (1244) Thái tông sai quan ơở các lộ đắp đê ở hai bên bờ sông cái (Hồng hà), gọi là Đỉnh nhĩ đê. Lại đặt quan để coi việc đê, gọi là Hà đê chánh phó sứ hai viên. Hễ chỗ nào mà đê đắp vào ruộng của dân, thì nhà nước cứ chiếu theo giá ruộng mà bồi thường cho chủ ruộng.