Hiến Tông không có con, Minh Tông thượng hoàng lập người em tên là Hạo lên làm vua, tức là vua Dụ Tông. Trong những năm Thiệu Phong, là mười mấy năm đầu, tuy Dụ Tông làm vua, nhưng quyền chính trị ở Minh Tông thượng hoàng quyết đoán cả, cho nên dẫu có phải mấy năm tai biến mất mùa đói khổ, nhưng việc chính trị còn có thứ tự. Từ năm Đại Trị nguyên niên (1358) trở đi, Thượng Hoàng mất rồi, bọn cựu thần như ông Trương Hán Siêu, ông Nguyễn Trung Ngạn cũng mất cả, từ đó việc chính trị bỏ trễ nãi. Kẻ gian thần mỗi ngày một đắc chí. Ông Chu Văn An là một nhà danh nho thời bấy giờ và đang làm quan tại triều, thấy chính trị bại hoại, làm sớ dâng lên xin chém bảy người quyền thần. Vua không nghe, ông ấy bỏ quan về ở núi Chí Linh.
Vua Dụ Tông về sau cứ rượu chè chơi bời, xây cung điện, đào hồ đắp núi, rồi lại cho gọi những người nhà giàu vào trong điện để đánh bạc. Bắt vương hầu công chúa phải đặt chuyện hát tuồng 62 và bắt các quan thi nhau uống rượu, ai uống rượu được một trăm thăng thì thưởng cho hai trật.
Chính sự như thế, cho nên giặc cướp nổi lên như ong dấy: ở mạn Hải Dương thì có giặc Ngô Bệ làm loạn ở núi Yên Phụ; ở các nơi thì chỗ nào cũng có giặc nổi lên cướp phá. Dân tình khổ sở, năm nào cũng phải đói kém. Cơ nghiệp nhà Trần bắt đầu suy từ đấy.
Bấy giờ ở bên Tàu, nhà Nguyên đã suy, trong nước rối loạn, có bọn Trần Hữu Lượng, Trương Sĩ Thành, Chu Nguyên Chương khởi binh đánh phá.
Chu Nguyên Chương dấy binh ở đất Từ Châu (tỉnh An Huy), chiếm giữ thành Kim Lăng, rồi trong 15 năm dứt được nhà Nguyên dẹp yên thiên hạ, dựng nên cơ nghiệp nhà Minh.
Năm mậu thân (1368) Minh Thái Tổ sai sứ đưa thư sang dụ nước ta, Dụ Tông sai quan Lễ Bộ Thị Lang là Đào Văn Đích sang cống.
Nước Nam ta bấy giờ tuy đã suy nhược, nhưng mà nhà Minh mới định xong thiên hạ, còn phải sửa sang việc nước, chưa dòm đến nước mình, cho nên cũng chưa có việc gì quan trọng lắm.
Từ khi vua nước Chiêm Thành là Chế A Nan mất rồi, con là Chế Mộ và rể là Bồ Đề tranh nhau làm vua. Người Chiêm Thành bỏ Chế Mộ mà theo Bồ Đề; qua năm nhâm thìn (1352) Chế Mộ chạy sang An Nam cầu cứu.
Đến năm quý tị (1353) Dụ Tông cho quân đưa Chế Mộ về nước, nhưng quan quân đi đến đất Cổ Lụy (thuộc Quảng Nghĩa) thì bị quân Chiêm đánh thua, phải chạy trở về. Chế Mộ cũng buồn rầu chẳng bao lâu thì chết.
Người Chiêm Thành từ đấy được thể cứ sang cướp phá ở đất An Nam.
Năm đinh mùi (1367), Dụ Tông sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm Thành. Quan quân đi đến Chiêm Động (thuộc phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) bị phục quân của Chiêm Thành đánh bắt mất Trần Thế Hưng, Đổ Tử Bình đem quân chạy trở về.
Người Chiêm thấy binh thế nước Nam suy nhược, có ý khinh dễ, cho nên qua năm mậu thân (1368) vua nước Chiêm cho sứ sang đòi đất Hóa Châu. Việc đòi Hóa Châu này thì sử chỉ chép qua đi mà thôi. Vả bấy giờ ở nước Nam ta, vua Dụ Tông chỉ lo việc hoang chơi, không tưởng gì đến việc Võ bị; mà ở bên Chiêm Thành thì có Chế Bồng Nga, là một ông vua anh hùng, có ý đánh An Nam để rửa những thù trước. Vậy cho nên hết sức tập trận, luyện binh; bắt quân lính phải chịu khó nhọc cho quen, dàn trận voi cho tiện đường lui tới: thắng thì cho voi đi trước để xông đột, bại thì cho voi đi sau để ngăn giữ quân nghịch. Nhờ cách xếp đặt có thứ tự, dụng binh có kỷ luật như thế, cho nên quân Chiêm Thành từ đó mạnh lắm, sau dánh phá thành Thăng Long mấy lần, làm cho vua tôi nhà Trần phải kính sợ mấy phen.