Hiến tông mất, truyền ngôi lại cho người con thứ ba tên là Thuần, tức là vua Túc tông.
Túc tông làm vua được 6 tháng thì mất. Triều đình tôn người anh thứ hai của ngài là Tuấn lên làm vua, tức là vua Uy mục.
Từ vua Uy mục trở đi thì cơ nghiệp nhà Lê mỗi ngày một suy dần, vì rằng từ đó về sau không có ông vua nào làm được việc nhân chính, và lại thường hay say đắm tửu sắc, làm những điều tàn ác, cho nên thành ra sự giặc giã, thoán doạt, đến nỗi về sau dẫu có trung hưng lên được, nhưng quyền chính trị vẫn về tay kẻ cường thần.
Vua Uy mục mới lên làm vua thì giết tổ mẫu là bà Thái hoàng Thái hậu, giết quan Lễ bộ Thượng thư là ông Đàm văn Lễ và quan Đô ngự sử là ông Nguyễn quang Bật, vì lẽ rằng khi vua Hiến tông mất, bà Thái hậu và hai ông ấy có ý không chịu lập ngài.
Đã làm điều bạo ngược, lại say đắm tửu sắc; đêm nào cũng cùng với cung nhân uống rượu, rồi đến khi say thì giết đi. Có khi bắt quân sĩ lấy gậy đánh nhau để làm trò chơi. Tính đã hung ác, mà lại hay phản trắc. Cho nên sứ Tàu sang làm thơ gọi Uy mục là Quỉ vương.
Bấy giờ Uy mục lại hay tin dùng mấy kẻ ngoại thích và tìm những người có sức mạnh để làm túc vệ. Bởi thế cho nên Mạc đăng Dung là người đánh cá vào thi đỗ đô lực sĩ, được làm chức Đô chỉ huy sứ. Còn những tôn thất và công thần thì bị đánh đuổi, dân sự thì bị hà hiếp, lòng người ta oán, thiên hạ mất cả trông cậy, triều thần có nhiều người bỏ quan trốn đi.
Tháng chạp năm kỷ tị (1509) có Giản tu công tên là Oanh cháu vua Thánh tông, là anh em con chú con bác với ngài, bị bắt giam. Ông đút tiền cho người canh ngục mới được ra, trốn về Tây đô, rồi hội với các quan cựu thần đem binh ra đánh bắt vua Uy mục và Hoàng hậu Trần thị giết đi.