Bình Định Vương Lên Ngôi năm 1428

Bình định vương là Lê Lợi có công dẹp giặc Minh, đem lại giang sơn cho nước nhà. Nhưng vì trước phải lấy cớ lập con cháu nhà Trần để cầu hòa với nhà Minh, cho nên phải tôn Trần Cao lên làm vua. Nay việc chiến tranh đã xong, lòng người theo về Bình định vương, mà Trần Cao cũng biết chừng không ai để cho mình ở yên, bèn trốn vào châu Ngọc Ma (thuộc phủ Trấn ninh) nhưng bị quan quân đuổi bắt được, đem về bắt phải uống thuốc độc mà chết.

Trần Cao chết rồi, Bình định vương lên ngôi tức là vua Thái tổ nhà Lê, đặt quốc hiệu là Đại Việt. Năm ấy là năm mậu thân, lịch Tây là năm 1428.

Vua Thái tổ sai sứ sang cầu phong bên Tàu, nhưng mà nhà Minh không chịu, bắt phải tìm con cháu nhà Trần để lập lên làm vua. Sứ nhà Minh đi về hai ba lần, sau vua Thái tổ bắt các quan viên và phụ lão trong nước làm tờ khai rằng con cháu nhà Trần thật không còn ai nữa, và xin phong cho ngài là Lê Lợi làm vua nước Nam. Vua nhà Minh thấy vậy mới thuận phong vương cho ngài.

Từ đấy lệ cứ 3 năm phải sang cống nhà Minh một lần, mà lần nào cũng phải đúc hai người bằng vàng gọi là: "đại thân kim nhân ". Có lẽ là lúc đánh trận Chi lăng có giết mất tướng nhà Minh là Liễu Thăng và Lương Minh, cho nên phải đúc hai người bằng vàng thế mạng.

Việc cầu phong và việc chịu cống nước Tàu là việc thế bất đắc dĩ, vì rằng nước ta đối với nước Tàu thì lớn nhỏ khác nhau nhiều lắm; vả lại nước ta một mình lẻ loi ở phía nam không có vây cánh nào cả, như vậy, nếu mà cứ kháng cự, không chịu kém một tí, thì không bao giờ yên được. Mà dẫu bề ngoài mình chịu kém nước Tàu, nhưng kỳ thực bề trong vẫn tự chủ, chứ người Tàu không xâm phạm gì đến việc nước mình. Thế cũng là một sự giao thiệp khôn khéo, làm cho nước được yên trị.

Vua Thái tổ lên ngôi rồi, phong thưởng cho các công thần: bên văn thì ông Nguyễn Trãi đứng đầu, bên võ thì ông Lê Vấn đứng đầu, cả thảy là 227 người đều được quốc tính cả. Ngài lại phong cho ông Nguyễn Trãi là Quan phục hầu, ông Trần nguyên Hãn là Tả tướng quốc, ông Phạm văn Xảo làm Thái úy.

Những người công thần vào bậc thứ nhất thì được thưởng tước là Thượng trí tự, bậc thứ nhì thì được tước là Đại trí tự, bậc thứ ba thì được tước là Trí tự. 

Vua Thái tổ sửa sang việc học hành, đặt trường Quốc tử giám ở đất kinh đô để cho con cháu các quan viên và những người thường dân tuấn tú vào học tập; mở nhà học và đặt thầy dạy nho học ở các phủ và các lộ. Rồi lại bắt các quan văn vũ từ tứ phẩm trở xuống phải vào thi Minh kinh khoa, nghĩa là quan văn thì phải thi kinh sử, quan vũ thì phải thi vũ kinh. ở các lộ cũng mở khoa thi Minh kinh 
để cho những người ẩn dật ra ứng thí mà chọn lấy nhân tài.

Những người đi tu đạo Phật, đạo Lão cũng bắt phải thi kinh điển những đạo ấy; hễ ai thi trúng thì mới cho phép được làm tăng và đạo sĩ, ai thi hỏng thì phải về tục làm ăn. 

Đặt ra luật lệ mới theo như hình luật nhà Đường: có tội xuy, tội trượng, tội đồ, tội lưu và tội tử.

Tội xuy chia ra làm 5 bậc từ 10 roi đến 50 roi; tội trượng cũng chia ra làm 5 bậc, từ 60 đến 100 trượng; tội đồ chia ra làm 3 bậc: đồ làm dịch đinh, đồ làm lính chuồng voi, và đồ làm lính đồn điền; tội lưu chia ra làm 3 bậc : lưu đi cận châu, lưu đi viễn châu và lưu đi ngoại châu 92 ; tội tử cũng chia ra làm 3 bậc: tội thắt cổ và chém, tội chém bêu đầu và tội lăng trì. 
Hễ ai được vào hàng bát nghị thì trước phải tâu xin nghị, khi vào nghị xong rồi lại phải tâu để vua xét lại. Những người cựu thần có công từ ngũ phẩm dĩ thượng, có ai phạm tội đồ hay là tội lưu thì cũng tha cả; con cháu những người được nghị công  mà có tội, thì cứ theo cái thứ bậc tập.

Lưu đi cận châu là vào Nghệ an, đi viễn châu là vào Bố chính, đi ngoại châu là vào Tân bình. Bát nghị là : Nghị thân, nghị cố, nghị hiền, nghị năng, nghị công, nghị quí, nghị cần, nghị tân. Xem ở sách Chu lễ thì biết rõ. ấm của ông cha mà giảm cho. Những quan viên, quân dân ai có lầm lỗi, nhỡ ra phạm đến tội lưu trở xuống thì được cho chuộc. Những người 70 tuổi trở lên, 15 tuổi trở xuống hay là có phế tật mà phạm tội lưu trở xuống, thì cũng được cho chuộc. Những người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống hay là đốc tật, thì cứ thứ tự giảm bớt cho. Những người phạm tội gì hay là phạm tội ăn trộm, ăn cắp của người ta mà tự mình ra thú nhận trước, thì được lượng tội mà giảm cho ít nhiều.

Trong nước bấy giờ có nhiều người du đãng cứ rượu chè cờ bạc, không chịu làm ăn tử tế, vậy nên đặt ra phép nghiêm để trừng trị : ai đánh đổ bác bắt được phải chặt ngón tay mất ba phân; đánh cờ, bắt được phải chặt ngón tay mất một phân; không có việc gì quần tụ nhau để rượu chè, phải đánh 100 trượng, người dung chứa những kẻ ấy cũng phải tội, nhưng mà được giảm đi một bậc.

Sự nghiêm phạt như thế, thì có thái quá thật, vì là làm tàn hại đến thân thể người ta, nhưng mà cũng có công hiệu, khiến cho trong nước bớt có thứ người cả đời không chịu làm gì, chỉ đi đánh lừa người mà kiếm ăn. 

Khi vua Thái tổ mới ở Nghệ an ra Đông đô, thì đã chia nước ra làm bốn đạo, nay lại đặt thêm một đạo nữa gọi là Hải tây  đạo, gồm cả Thanh hóa, Nghệ an, Tân bình và Thuận hóa.

Trong các đạo, đạo nào cũng có quan Hành khiển để giữ sổ sách về việc quân dân. Còn như các xã thôn thì cứ xã nào có hơn 100 người trở lên, gọi là đại xã, đặt ba người xã quan; xã nào có 50 người trở lên, gọi là trung xã, đặt hai xã quan; xã nào có 10 người trở lên gọi là tiểu xã, đặt một người xã quan để coi việc trong xã. 

Bấy giờ thường những người không có công lao gì với nhà nước thì lắm ruộng nhiều nương, mà những kẻ phải đánh đông dẹp bắc lao lung khổ sở, lúc về một tấc đất cũng không có. Vì thế cho nên vua Thái tổ định ra phép quân điền để lấy công điền, công thổ mà chia cho mọi người, từ quan đại thần cho đến những người già yếu cô quả, ai cũng có một phần ruộng, khiến cho sự giàu nghèo ở trong nước khỏi chênh lệch lắm. 

Khi giặc Minh hãy còn ở nước Nam, thì phải cần có nhiều quân binh, cho nên lúc quân An nam ta mới ra Đông đô, cả thảy được 25 vạn, sau lấy được Đông đô rồi cho 15 vạn về làm ăn, chỉ để lại 10 vạn để phòng vệ mà thôi, nay lại chia quân ra làm 5 phiên, một phiên ở lại lưu ban còn bốn phiên cho về làm ruộng, cứ lần lượt thay đổi nhau mà về. 

Vua Thái tổ vẫn là một ông vua anh tài, đánh đuổi được giặc Minh, mà lại sửa sang được nhiều công việc ích lợi cho nước, nhưng khi ngài lên làm vua rồi, có tính hay nghi ngờ, chém giết những người công thần như ông Trần nguyên Hãn và ông Phạm văn Xảo. Hai ông ấy giúp ngài đã có công to, về sau chỉ vì sự gièm pha mà đều phải chết oan cả.

Nghĩ mà buồn thay cho mấy người công thần đời xưa, chỉ lầm về hai chữ công danh, mà đem tấm lòng son sắt đi phù tá quân vương trong lúc nguy nan, mong được chút hiển vinh để cho thỏa cái chí trượng phu ở đời. Ngờ đâu : chim bay đã hết, cung tốt cất đi, thỏ nhanh chết rồi, chó săn phải giết; đến khi công việc xong rồi, thì không những là một thân mình cũng không được trọn vẹn mà cả họ hàng thường cũng phải vạ lây. Thế mới biết chỉ có ôn Trương tử Phòng nhà Hán là người kiến cơ hơn cả ! 

Vua Thái tổ làm vua được 6 năm thì mất, thọ được 49 tuổi.