Văn miếu Diên Khánh tọa lạc tại khóm Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Tuy gọi là Văn miếu Diên Khánh nhưng có thể xem đây là Văn miếu cấp tỉnh mà tiền thân là Văn miếu trấn Bình Hòa xưa, lập từ năm Gia Long thứ 2 (1803). Đây cũng là Văn miếu cấp tỉnh hiếm hoi còn tồn tại ở khu vực Nam Trung bộ, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998.
Văn Miếu Diên Khánh sau nhiều lần trùng tu đã trở nên sáng đẹp
Văn miếu là hệ thống di tích đặc sắc trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Văn miếu là đền thờ của đạo Khổng (Nho giáo), thờ Đức Khổng Tử là đấng sáng lập và những bậc hiền triết là học trò của Ngài. Văn miếu cũng là nơi sinh hoạt của giới nho sĩ, khoa mục ở địa phương, đồng thời tôn vinh những người đỗ đạt thành danh phụng sự dân tộc.
Thời phong kiến, đạo Nho được coi là quốc giáo, chữ Hán được coi là “chữ của thánh hiền” và được dùng trong việc thi cử để chọn nhân tài ra giúp nước. Dưới triều Nguyễn, hệ thống trường học các cấp (tỉnh, phủ, huyện) được xây dựng khắp các địa phương trong cả nước để phục vụ Nho học. Việc học đã được tổ chức thì nhất định phải có Khổng miếu. Cấp tỉnh có Văn Thánh hay Văn miếu; cấp phủ, huyện có Văn chỉ. Văn miếu do quan tỉnh đứng lập; Văn chỉ do thân hào nhân sĩ đứng lập. Văn Miếu Diên Khánh xưa cũng được hình thành theo thiết chế ấy.
Văn Miếu Diên Khánh được xây dựng với quy mô lớn từ năm 1853 và đến năm sau thì cơ bản hoàn thành. Tuy vậy, trải qua nhiều thăng trầm trong cơn binh lửa, nhất là giai đoạn chống thực dân Pháp 1945 - 1954, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Tấm bia ở Văn Miếu Diên Khánh khắc tên những người trong phủ đã từng học hành và đỗ đạt cao trong các khoa thi
Văn Miếu Diên Khánh được xây trong khuôn viên khá vuông vức, phía trước có nhà bi đình, chính giữa có tòa tiền đường và chánh đường cao rộng, làm bằng gỗ xây tường gạch bao, các cột kèo được chạm trổ sơn son, thếp vàng đẹp đẽ và uy nghiêm. Ngăn cách giữa bi đình và tòa chánh đường là một sân gạch khá rộng, hai bên có hai dãy nhà tả vu và hữu vu. Bên dãy tả vu còn có nhà quan cư được bày trí đẹp, thường dùng làm chỗ tạm trú cho quan khách sử dụng trong những dịp tế lễ.
Phía tây Văn Miếu có một ngôi miếu nhỏ gọi là Khải Miếu thờ Khải Thánh Công Lương Ngột và bà Nhan Thị Trưng Tại là đức thân phụ và thân mẫu của đức Khổng Tử. Thường khi vào cuộc tế lễ, người ta thường tế đầu tiên ở ngôi Khải Miếu để tôn vinh người đã sinh ra Đức Ngài.
Di tích lịch sử Văn Miếu Diên Khánh
Trước năm 1945, lệ cúng hàng năm ở Văn Miếu thường được tổ chức vào ngày "Đán" và ngày "Húy", tức ngày sinh và ngày mất của Khổng Tử do Nhà nước đứng ra tổ chức, ngân sách do tỉnh đài thọ. Buổi tế được tổ chức rất trang trọng, đúng với những nghi lễ của triều đình đã quy định. Chính vì vậy, trong lễ cúng thường có mặt đông đảo quan lại, thân hào nhân sĩ trí thức trong phủ tham gia. Ngày nay, việc tế tự vẫn được duy trì vào những ngày trên và do Ban tế lễ Văn Miếu chuẩn bị chu đáo, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Hiện trong Văn Miếu vẫn còn một tấm bia khắc tên những người trong phủ đã từng học hành và đỗ đạt cao trong các khoa thi thời phong kiến. Đặc biệt, trong đó có các ông Nguyễn Khanh, Lê Thiện Kế, Lê Nghị, Lê Viết Tạo, Nguyễn Lương… sau này đều trở thành những danh tướng trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Khánh Hòa do Trịnh Phong lãnh đạo (1885 - 1886). Ngay sau khi nhân dân tỉnh nhà giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Văn Miếu Diên Khánh là nơi luyện tập quân sự của thanh niên trong thôn và là địa điểm tập kết lương thực, thực phẩm để cung cấp cho chiến sĩ ta chiến đấu ở mặt trận Nha Trang. Trong kháng chiến chống Mỹ, đây là địa điểm liên lạc, nơi dừng chân của các chiến sĩ cách mạng trong những lần xuống đồng bằng. Với những giá trị tiêu biểu về nhiều mặt, ngày 15-10-1998, di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu Diên Khánh đã được Nhà nước ra quyết định công nhận là di tích quốc gia.
Nguồn: Sưu tầm