Di tích Nhà tù Lao Bảo hay còn gọi là Nhà đày Lao bảo nằm ở phía Tây Nam Đường 9, cạnh sông Sê Pôn, thuộc thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị. Di tích đã được xếp hạng Quốc gia vào ngày 25/01/1991.
Từ khi thực dân Pháp đặt quyền bảo hộ lên đất nước Việt Nam, chúng đã cho xây dựng một loạt nhà tù ở nhiều nơi để giam giữ những người yêu nước và các chiến sĩ Cộng sản. Từ khi Pháp mở Đường 9 (1904), sau 4 năm, chính quyền thực dân bắt tay vào việc nâng cấp Bảo Trấn Lao thời nhà Nguyễn thành nhà tù Lao Bảo (1908).
Lúc mới lập, nhà tù Lao Bảo chỉ có hai dãy nhà giam bằng gỗ, lợp ngói, tường trét toóc xi, gọi là Lao A và Lao B. Mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 2m có thể giam giữ được 60 tù nhân.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp cách mạng. Để phục vụ cho việc giam giữ tù nhân là Đảng viên Đảng Cộng sản. Cuối năm 1934, chúng cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, D, hầm E. Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m. giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Và Khu biệt giam có 13 buồng, mỗi buồng rộng 1m, cao 2,14m. Toàn bộ các công trình được bao quanh bởi hệ thống tường thành kiên cố cao 3,5m và nhiều lô cốt bảo vệ ở các góc thành và các vị trí quan trọng.
Ngoài ra, còn có một số công trình phục vụ khác như: Nhà Đồn trưởng, Nhà tra tấn, hỏi cung, trại lính, kho, xưởng mộc, xưởng rèn…Các công trình này nằm trên diện tích hơn 10 ha.
Nhà tù Lao Bảo là một trong năm nhà tù lớn nhất Đông Dương, đã giam cầm các nhà yêu nước, chiến sĩ cộng sản của vùng Trung Bộ. Với khí hậu khắc nghiệt, nạn muỗi rừng, lũ quét cùng với chế độ nhà tù hà khắc như: tra tấn dã man, lao dịch nặng nề; ăn uống tồi tệ, đau ốm không có thuốc men đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn…, nhà tù Lao Bảo trở thành địa ngục trần gian đối với tù nhân.
Gần 40 năm tồn tại, nhà tù Lao Bảo đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản và yêu nước. Trãi qua hai cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Nhà tù Lao Bảo đã bị phá huỷ gần như hoàn toàn, nhiều công trình chỉ còn lại một phần kiến trúc nhưng hầu hết đã bị biến dạng và trở thành hoang phế.
Ngày nay, ngoài những chứng tích tội ác của kẻ thù gây ra đối với dân tộc ta, tại đây còn có một số công trình mới xây dựng nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích như: Nhà trưng bày bổ sung, Cụm tượng đài, Nhà bia, Nhà đón tiếp…